Phần Lan: Đàn ông cõng vợ để thể hiện tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại thị trấn Sonkajarv ở Phần Lan, cuộc thi cõng vợ được tổ chức vào tháng 7 hằng năm nhằm thể hiện tình yêu và sức mạnh của người đàn ông dành cho vợ mình thu hút rất đông du khách. Phần Lan cũng là quốc gia có bề dày kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ hơn một thế kỷ qua.
Cuộc thi cõng vợ tại Phần Lan.
Cuộc thi cõng vợ tại Phần Lan.

Cuộc thi hấp dẫn thu hút nhiều quốc gia

Cõng vợ, bạn gái hoặc đồng đội nữ chạy đua 253,5 mét trên cát, cỏ, vượt qua một hồ nước trơn trợt sâu 1 mét và 2 chướng ngại vật khô - đó là nội dung cuộc thi cõng vợ vượt chướng ngại vật tổ chức tại thị trấn Sonkajarv.

Cuộc đua kỳ thú này không chỉ gói gọn trong đất nước Phần Lan mà ngày càng thu hút nhiều người từ các quốc gia khác nhau trên thế giới tham dự. Mỗi năm, cuộc thi vô địch cõng vợ lại thu hút hàng nghìn người tới từ các quốc gia Estonia, Mỹ, Anh, Thụy Điển... để tranh tài tại Phần Lan. Để tham dự cuộc thi, nhiều cặp đôi đã luyện tập vô cùng nghiêm túc suốt năm để đến mùa hè có mặt tại Phần Lan tranh tài.

Có 4 kiểu cõng vợ trong cuộc thi, phổ biến hơn cả là tư thế “chổng ngược”: nữ treo ngược sau lưng nam, đầu chúi xuống đất, chân bám vào vai đồng đội. Không bắt buộc đôi thí sinh phải là vợ chồng, nhưng người nữ phải trên 17 tuổi và nặng ít nhất 49kg. Cô gái nào không đủ cân nặng theo yêu cầu thì phải đeo thêm ba – lô cho đủ trọng lượng quy định.

Cuộc thi Eukonkanko – theo tiếng Phần Lan có nghĩa là cõng bà vợ “lâu năm”, đồng thời, vừa có nghĩa người vợ đang mang thai. Tên gọi này thể hiện tình cảm gia đình sâu đậm, son sắt.

Theo người Phần Lan, cuộc thi này bắt nguồn từ những huyền thoại về tên cướp Rosvo-Ronkainen tác oai tác quái ở phía Đông Phần Lan thế kỉ 19. Dù vậy, có rất nhiều trai tráng muốn đầu quân cho Ronkainen, do vậy, tên này đã cho tuyển chọn người bằng cách bắt vác nguyên con heo còn sống hoặc bao ngũ cốc lớn sau đó chạy vượt chướng ngại vật. Kết thúc cuộc thi, ai nhanh nhẹn mới được chiêu mộ.

Tuy vậy, cũng có người cho rằng, nguồn gốc của cuộc thi Eukonkanto còn xa xưa hơn khi có thể xuất phát từ tập tục ăn cắp vợ của người Phần Lan. Những anh chàng cõng “vợ người ta” để tranh tài ở Euronkanto theo sát phong tục này nhất.

Hàng năm, mỗi khi cuộc thi diễn ra, khắp khán đài luôn tràn ngập không khí cổ vũ sôi nổi, ngập tràn màu cờ sắc áo của các quốc gia giống như không khí của một trận bóng đá. Màu cam đại diện cho Hà Lan, vàng – xanh của Thụy Điển, chiếc váy truyền thống sặc sỡ sắc màu của những cô gái người Nga xinh đẹp... Hàng ngàn người không quản ngại đi quãng đường cả hàng trăm km để ủng hộ người thân, bạn bè tranh tài. Đồng thời, đây cũng là dịp để nhiều người tận hưởng không khí mùa hè tuyệt đẹp ở Phần Lan.

Sau màn rước cờ các quốc gia tham dự và diễu hành, cuộc đua nhanh chóng tiến hành với mỗi đợt xuất phát gồm 3 cặp vận động viên. Nội dung thi độc nhất vô nhị nên khán giả cũng lạ đời. Mỗi khi có cặp vận động viên nào đuối sức, té ngã hay “đánh rơi vợ”, tiếng hò reo, vỗ tay lại vang lên như sấm khắp các khán đài. Và khi cặp đôi ấy về đến đích, khán giả lại cổ vũ rầm rộ dù thời gian hoàn thành đường đua của họ đã gấp đôi người về nhất. Người thua được động viên, chúc mừng hơn hẳn kẻ thắng và đa số thí sinh cũng vui là chính chứ không đặt nặng chuyện giành giải thưởng.

Có đôi cứ chạy một đoạn lại dừng để phát kẹo cho khán giả nhỏ tuổi. Nhiều đôi chịu khó đầu tư trang phục truyền thống đặc sắc bất chấp sự vướng víu, bất tiện khi vận động. Được tham gia hoạt động yêu thích, giới thiệu bản sắc văn hoá nước mình, hoà cùng không khí hội hè độc đáo ở Sonkajarv là niềm vui không gì sánh nổi.

Hội thi cõng vợ “gây nghiện” đến mức đã thử một lần là khó bỏ, nhiều cặp đôi nước ngoài nhiều lần tới Phần Lan để tranh tài. Nhiều phụ nữ truyền tai nhau rằng cuộc thi cõng vợ là thước đo chính xác cho tình yêu và mức độ ga-lăng của chồng hay người yêu mình.

Đất nước của nữ quyền

Theo đánh giá của ThS. Mai Thị Diệu Thúy (Giảng viên Trường Đại học Luật - Đại học Huế), Phần Lan là quốc gia Bắc Âu có bề dày kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ suốt hơn một thế kỷ qua.

“Vấn đề này được thể chế hóa trong chính sách, pháp luật từ rất sớm, đặc biệt cơ chế quản lý, đánh giá, giám sát về lĩnh vực này rất hiệu quả. Tại đây, phụ nữ được tạo cơ hội bình đẳng để tiếp cận và thụ hưởng các quyền con người trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả chính trị”, ThS. Mai Thị Diệu Thúy nhận định.

Trên thực tế, 50% thành viên Chính phủ, thành viên Hội đồng thành phố và 47% nghị sĩ tại Phần Lan là phụ nữ. Theo đánh giá, Phần Lan là quốc gia tiên phong trong vấn đề bình đẳng giới. Cụ thể, năm 1906, Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới trao quyền bầu cử cho phụ nữ. Bà Tarja Kaarina Halonen - nữ Tổng thống đầu tiên của Phần Lan là biểu tượng về bình đẳng giới với hai nhiệm kỳ kéo dài 12 năm (2000-2012).

Mới đây, Phần Lan cũng có nữ Tổng thống trẻ nhất thế giới – bà Sanna Marin năm nay mới 36 tuổi. Nữ Thủ tướng Phần Lan - Sanna Marin vừa có tên trong danh sách “100 Next” của tạp chí Time, một chỉ số được công bố hàng năm về “những nhà lãnh đạo mới nổi giúp định hình tương lai”. Nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới này là minh chứng rõ nhất cho luận điểm “khả năng lãnh đạo không phụ thuộc vào tuổi tác và giới tính”.

Chân dung nữ Thủ tướng Phần Lan - Sanna Marin là nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới. (Ảnh: Getty)

Chân dung nữ Thủ tướng Phần Lan - Sanna Marin là nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới. (Ảnh: Getty)

Cùng với đó, có nhiều phụ nữ trong Nghị viện của Phần Lan liên tục được bầu hai nhiệm kỳ để tham gia công việc của Nghị viện. Ở nhiệm kỳ hiện tại, 93/200 ghế của Quốc hội Phần Lan là phụ nữ. Trong đó, 48% ghế Quốc hội do những nữ nghị sĩ dưới 45 tuổi nắm giữ và có tới 8 nữ nghị sĩ dưới 30 tuổi.

Thực tế, lực lượng lao động nữ giới và nam giới ở đây khá cân bằng: 86% phụ nữ trong độ tuổi từ 25-64 đều được học hết bậc trung học, cao hơn so tỉ lệ này của đàn ông ở Phần Lan là 81%. Chỉ số phụ nữ hài lòng với cuộc sống của mình trung bình của thế giới là 76% nhưng tại Phần Lan lên tới 81%.

Với một nền kinh tế phát triển, Phần Lan có một hệ thống phúc lợi xã hội thuộc hạng tốt nhất thế giới. Đối với các gia đình, để khuyến khích họ sinh con nhằm cải thiện nền dân số già, Phần Lan đưa ra rất nhiều chính sách để giúp đỡ những cặp vợ chồng. Mỗi cặp đôi Phần Lan khi sinh con sẽ không phải lo lắng về các chi phí y tế, bởi nếu không có biến chứng, các mẹ bầu sẽ được thăm khám hoàn toàn miễn phí từ 11 – 15 lần trước khi sinh. Cùng với đó, chi phí sinh con ở Phần Lan cũng không đáng kể.

Trong suốt 8 thập kỷ qua, món quà mang tên “chiếc hộp em bé” luôn được Chính phủ Phần Lan gửi tặng các bà mẹ khi sinh con. Trong đó, món quà có đầy đủ đồ dùng cần thiết cho em bé như quần áo, đồ vệ sinh... Không chỉ có thế, những đứa trẻ ngay khi sinh ra đã được hưởng trợ cấp 100 euro/tháng, từ con thứ 3 là 141 euro/tháng và từ con thứ 5 trở lên sẽ là 182 euro/tháng. Khoản tiền này được cung cấp cho đến khi đứa trẻ 17 tuổi. Với chế độ phúc lợi xã hội tập trung vào sự phát triển của trẻ nhỏ, liên tục trong nhiều năm qua, Phần Lan được bầu chọn là đất nước lý tưởng nhất cho các bà mẹ.

Mỗi bà bầu sẽ có một nữ hộ sinh chăm sóc riêng là tiêu chuẩn của mẹ ở Phần Lan.

Mỗi bà bầu sẽ có một nữ hộ sinh chăm sóc riêng là tiêu chuẩn của mẹ ở Phần Lan.

Bên cạnh đó, đây còn là đất nước nổi tiếng với vô số đãi ngộ cho phụ nữ như thời gian nghỉ thai sản dài cho không chỉ mẹ mà còn cả bố để chăm sóc con. Người Phần Lan tin rằng người cha đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em. Vì thế, Chính phủ nước này cho phép mỗi năm các ông bố được nghỉ tới 9 tuần để chăm sóc con, trong khi họ vẫn được hưởng 70% lương.

Để có được những thành quả nêu trên, cơ chế bảo đảm thực thi quyền phụ nữ trên thực tế ở Phần Lan thực sự rất hiệu quả. Nhà nước đã rất chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy chuyên trách trong Chính phủ về bình đẳng giới, gồm: Bộ bình đẳng giới phụ trách về lĩnh vực bình đẳng giới, Thanh tra bình đẳng giới.

Trên phạm vi toàn cầu, Phần Lan đóng góp nhiều thông qua tổ chức Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN women). Cụ thể, vào năm 2014, Phần Lan đã hỗ trợ Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp quốc (UN Women) 26,5 triệu euro để chi phí cho sự nghiệp bình đẳng giới.

Đọc thêm