Chọn tuổi được xem trước khi chọn phim
Theo quy định, từ ngày 1/1/2017 Cục Điện ảnh sẽ áp dụng Bảng tiêu chí phân loại phổ biến phim theo độ tuổi. Sở dĩ có tiêu chí phân loại này vì những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam “ra lò” khá nhiều bộ phim gắn mác 16+ (cấm trẻ em 16 tuổi trở xuống) như: “Mỹ nhân kế”, “Cô dâu đại chiến”, “Giữa hai thế giới”, “Săn đàn ông”… Đi kèm với đó là những tranh cãi của các nhà sản xuất phim với cơ quan quản lý điện ảnh về việc đâu là giới hạn của các cảnh có yếu tố tình dục, bạo lực ngày càng nhiều hơn, nhất là khi có những phim bị yêu cầu cắt, hoặc bị cấm chiếu.
Mặt khác, sản xuất điện ảnh ngày càng đa dạng. Các quy định thô sơ, cứng nhắc sẽ không chỉ làm khó quản lý mà còn làm cản trở sự sáng tạo của nghệ sĩ.Điều đáng nói là thay vì có một hệ thống phân loại phim theo tuổi kỹ hơn thì chúng ta chỉ có một mốc trên 16 và dưới 16 tuổi. Chính điều này gây thiệt thòi cho các nhà sản xuất phim Việt bởi tất cả những cảnh chớm vi phạm đến bạo lực hay tình dục đều sẽ bị “thổi còi”. Trong khi tại Mỹ, có một hệ thống phân loại rất kỹ với 5 mức lứa tuổi đi kèm khuyến cáo cụ thể, tạo điều kiện cho nhà sản xuất.
Một thiệt thòi khác nữa là trong khi phim nội bị siết chặt đầu ra thì phim ngoại lại được duyệt khá thoáng. Có thể kể tên một loạt phim ngoại nhập như “Thiện xạ”, “Cô bạn gái kinh dị”, “Tội ác phía sau ô cửa”, “Vô gian đạo”, “Sự thật về tình yêu”… lại không bị cắt bớt những cảnh gây phản cảm cho một số đối tượng người xem, nhất là các khán giả dưới 16 tuổi.
Thế nên, để cho “công bằng”, bắt đầu từ ngày 1/1/2017, Cục Điện ảnh áp dụng Bảng tiêu chí phân loại phổ biến phim theo độ tuổi. Theo đó, phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn là P), phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), phim không dành cho người dưới 16 tuổi (C16) và phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh.
Ở loại phim C13, sẽ cấm những hành động bạo lực được miêu tả chi tiết, có thời lượng kéo dài; chỉ chấp nhận hình ảnh khoả thân không trực diện phía trước, phía sau hoặc hình ảnh khoả thân phần trên phía trước của phụ nữ không liên quan đến tình dục hoặc trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khoẻ, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu số.
Hạng mục này cũng không chấp nhận cảnh thể hiện hoạt động tình dục, việc dùng ma tuý và các chất kích thích gây nghiện, cảnh kinh dị gây sợ hãi được miêu tả chi tiết hoặc ngôn ngữ thô tục… Ở loại phim C16, sẽ cấm các cảnh giết người, gây đau đớn, thương tích, chảy máu thường xuyên cũng như các hình ảnh khoả thân và hoạt động tình dục được miêu tả chi tiết, kéo dài.
Loại phim C18, các tiêu chí phân loại đã được nới lỏng hơn, chỉ cấm các cảnh phim tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh đến người xem; cấm các hình ảnh khoả thân toàn phần hoặc cảnh miêu tả chi tiết bộ phận sinh dục cũng như hoạt động tình dục; những hình xăm phản cảm và cảnh miêu tả chi tiết việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý cũng không được chấp nhận.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân ủng hộ: “Tôi rất mừng dù lẽ ra phải làm sớm hơn nữa. Các hãng phim, đạo diễn có trong tay văn bản cụ thể, chi tiết này sẽ giải tỏa rất nhiều khi sáng tác”.
Đi xem phim phải mang giấy khai sinh?
Đây là một điều đáng mừng đối với ngành Điện ảnh. Nhưng rất nhiều người không khỏi lo lắng băn khoăn, trước sự trình chiếu phim 13+, 16+, 18+ ngoài rạp, những cảnh phim nhạy cảm, những đoạn hội thoại trần trụi về chuyện phòng the hay cảnh bạo lực, đẫm máu hoàn toàn không phù hợp với văn hóa Việt và rất khó kiểm soát đối tượng khán giả dưới 13, 16, 18 tuổi.
Nỗi lo này không phải không có cơ sở. Bởi lẽ, nếu phim cấm người xem dưới 13, 16, 18 tuổi thì những khán giả dạng này lại càng tò mò và đổ xô đến rạp. Các rạp thường lờ đi việc kiểm soát tuổi khán giả vì theo họ, kiểm tra tuổi thông qua chứng minh thư mất thời gian và dễ dàng... mất khách, giảm sút doanh thu. Thế nên, việc cấm người xem không đúng độ tuổi bị…vô hiệu hóa. Người bán vé tại một rạp chiếu phim khẳng định: “Khách hàng là “thượng đế”. Ai có vé thì cho vào. Chúng tôi cũng chưa từng bị xử phạt trường hợp nào trẻ em chưa đủ tuổi xem phim cấm!”.
Đạo diễn Quang Dũng cho rằng: “Muốn cho điện ảnh phát triển, chúng ta buộc phải hoàn thiện hệ thống phân loại phim theo lứa tuổi và những tiêu chí để duyệt phim. Thế nhưng, việc phân loại phim theo lứa tuổi mà không đi kèm với một hệ thống kiểm soát gắt gao tại các phòng chiếu, rạp chiếu thì có cũng bằng thừa”.
Ở Mỹ, việc khán giả đi xem một bộ phim đã được dán nhãn phân loại độ tuổi sẽ phải xuất trình ID để chứng minh lứa tuổi của mình. Nếu rạp chiếu phim nào không tuân thủ việc này và để lọt khán giả có thể bị phạt rất nặng, thậm chí là đóng cửa rạp chiếu. Còn ở Việt Nam từ trước tới nay, việc kiểm soát độ tuổi khán giả hầu như bị bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho rằng, bên cạnh việc dựa vào chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước mà khán giả trên 18 tuổi đến xem phim phải xuất trình khi mua vé thì với độ tuổi từ 13 đến dưới 18 tuổi lại là một việc khó khăn. Ở độ tuổi này, nếu bắt khán giả đến xem phim phải mang theo giấy khai sinh thì rất nhiêu khê mà để nhìn mặt đoán tuổi khán giả dường như “thách đố” người soát vé.
Thế nên, dù Cục Điện ảnh áp dụng Bảng tiêu chí phân loại phổ biến phim theo độ tuổi hơn 10 ngày nhưng các rạp chiếu phim vẫn đang “nghe ngóng”. Ông Dương chia sẻ: “Thực sự chúng tôi cần phải trao đổi kỹ hơn với Cục Điện ảnh để đưa ra từng giải pháp cụ thể nhất. Hiện tại mọi thứ vẫn đang mông lung lắm, chúng tôi chưa thể nói được gì rõ ràng cả. Trước mắt, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã dán thông báo rộng rãi đến khán giả để họ nắm được những quy định mới của Cục Điện ảnh. Sau đó, khi có sự thống nhất cụ thể, Trung tâm sẽ kết hợp giữa tuyên truyền và vận động mọi người tự giác chấp hành quy định mới này”.