Nhiều điểm sáng tại Thủ đô
Điển hình là quận Hoàn Kiếm, trong năm 2020 và 2021, quận đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền tới 18 phường với 132 tổ dân phố. Bí thư Chi bộ, các trưởng ngành, đoàn thể, đặc biệt là các cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở đã năng nổ tuyên truyền đến các hộ dân, hộ kinh doanh, người thu gom rác tự do,… trên địa bàn quận. Nhờ vậy, ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân Hoàn Kiếm ngày một nâng cao.
Bên cạnh đó là sự thành công của huyện Đông Anh trong việc hình thành một mô hình phân loại điểm, sau hai năm kết hợp cùng Chi cục Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT), các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Theo đó, 100% các hộ dân của 28/28 xã thực hiện phân loại rác, thực hiện chế ủ rác hữu cơ thành phân bón ruộng và tự kiểm toán rác khi giao nộp cho đơn vị thu gom. Trong năm 2022, Đông Anh đề ra mục tiêu sẽ giảm 50% khối lượng rác sinh hoạt – một tỷ lệ tương đối cao.
Hoàn thành việc thu gom, tái chế 2.000 tấn rác thải rắn là thành tựu đạt được từ nỗ lực của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội URENCO cùng người dân trên địa bàn Hà Nội với sự chung tay góp sức của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO). Ngay từ năm 2019, URENCO đã triển khai Chương trình Quản lý, phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn các quận do công ty phụ trách.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, URENCO vẫn tiếp tục duy trì các phương án thực hiện phân loại rác trên địa bàn Hà Nội. Đồng hành cùng URENCO là các tổ chức có uy tín trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như: Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO); Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam; Công ty CP Xã hội mGreen; Công ty TNHH Suez; Công ty TNHH Nestle Việt Nam; Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam và các đơn vị xã hội khác.
Trước mắt, mục tiêu đặt ra là khoảng 95.000 hộ dân 5 quận thuộc dự án (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) và 3.000 đơn vị cơ quan, nhà hàng siêu thị trên địa bàn 3 quận (Ba Đình, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) tiếp cận dự án phân loại rác; thu gom đạt 4.010 tấn (trong đó bao gồm 1.360 tấn nhựa, 156 tấn kim loại, 2.332 tấn giấy, 162 tấn vỏ hộp sữa).
Phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác thải theo hướng có ích cho chính người phát thải rác và xã hội, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý là việc nên làm và phải làm. Do vậy, theo chỉ đạo đầu năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội, các quận, huyện có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và triển khai phân loại rác thải sinh hoạt theo lộ trình phù hợp, triển khai thí điểm tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, công tác thu gom...
Còn nhiều bất cập
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thực tế cho thấy, việc tuân thủ phân loại rác thải tại nguồn vẫn mang tính cục bộ ở một số quận, huyện, xã, phường. Hiện nay, phần lớn người dân còn hiểu chưa đầy đủ về quy định tính tiền thu gom xử lý rác theo số lượng/khối lượng, hay việc sử dụng túi với kích cỡ, màu sắc như thế nào là đúng quy định. Chính vì nhiều người vẫn đang băn khoăn, lại chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng, việc thực hiện những quy định này còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định, đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân thành 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong Nghị định số 155/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt hành chính, số tiền phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Dù luật đã quy định như vậy, vẫn chưa thể áp dụng trên thực tế. Rác thải sinh hoạt từ các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thành phố hầu như vẫn được thu gom như bình thường, cho dù họ phân loại rác hay không.
Nhiều chuyên gia môi trường giải thích, nguyên nhân do vẫn còn thiếu các hướng dẫn về mặt kỹ thuật của Bộ TN&MT, sau đó là hướng dẫn cụ thể của các địa phương. Hiện nay, bên cạnh việc ban hành Thông tư và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Bộ TN&MT đang tiếp tục xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn và sẽ ban hành trong thời gian tới. Đơn cử như tiêu chí về công nghệ xử lý, hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn,…
Về phía thành phố Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, thành phố cũng cần sớm có hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn được xây dựng dựa trên khảo sát thực tế kết hợp với bài học kinh nghiệm phù hợp từ nước ngoài. Tất nhiên, đây không phải điều “một sớm một chiều”.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, về lộ trình, các quy định về phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Như vậy, các địa phương có thể căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xây dựng lộ trình thực hiện cho phù hợp.
Theo số liệu thống kê, dân số Hà Nội ước tính hơn 9 triệu người, lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 7.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, thành phần rác thải thực phẩm chiếm 51,9%, chất trơ (da, gỗ, cao su…) chiếm 38%, lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm 7,1%. Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp chiếm 98%, khoảng 2% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, không phát điện.