Phân quyền tổ chức bộ máy cho Thủ đô: Bước đột phá để Hà Nội thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

(PLVN) - Qua thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi - dự thảo Luật) tại Kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu thống nhất cao với các vấn đề liên quan đến mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội, đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong việc quyết định tổ chức bộ máy biên chế…
Quang cảnh phiên thảo luận dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi - Nguồn ảnh Quochoi.vn
Quang cảnh phiên thảo luận dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi - Nguồn ảnh Quochoi.vn

Được quyết định tăng thêm biên chế là hoàn toàn phù hợp

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phân tích, dự thảo Luật quy định TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục, vị trí việc làm, quy mô dân số và thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh chính trị, an toàn xã hội trên toàn địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP để bảo đảm các chi phí cho các biên chế tăng thêm. Theo ĐB, đối với chính quyền Thủ đô, quy định nội dung này là phù hợp. Bởi Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, là trung tâm hành chính, kinh tế của cả nước, đòi hỏi về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức phải đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo Đại biểu Nga, việc giao cho chính quyền TP Hà Nội được quyết định tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức như trong dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, việc tăng thêm này không ảnh hưởng đến nguồn ngân sách của Trung ương hay của các địa phương khác vì đã được chi ở phần ngân sách của TP.

ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng bày tỏ đồng tình, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền TP trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy biên chế, quy định tại dự thảo Luật là bước đột phá quan trọng tạo tiền đề cho TP thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Việc phân quyền cho HĐND TP được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, theo ĐB Mai, cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện yêu cầu đặt ra để bảo đảm sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Nên bỏ HĐND cấp quận?

Trao đổi bên hành lang Kỳ họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long cho rằng, để xứng tầm với Thủ đô, những cơ chế chính sách cho Thủ đô cũng phải rất đặc biệt. Một trong những nội dung ông quan tâm là chính quyền đô thị, trên cơ sở tổng kết đánh giá mô hình thí điểm của Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và cả Hà Nội, từ đó cần có những quy định chuyên biệt, đặc biệt của Thủ đô, khẳng định vai trò, vị trí của Thủ đô. Do vậy, việc trao quyền cho các cơ quan chính quyền là rất quan trọng.

Theo ông, nên bỏ HĐND cấp quận, phường, tập trung cho cấp HĐND TP. Về biên chế, không nên băn khoăn, nếu chúng ta bỏ biên chế của HĐND cấp quận thì biên chế của HĐND TP có thể lên đến 150 người. HĐND TP phải là cơ quan thực sự khẳng định vai trò quyết định những vấn đề quan trọng nhất của Thủ đô, giám sát hiệu quả và xây dựng cơ chế chính sách cho Thủ đô. Bởi cơ chế chính sách cho Thủ đô không chỉ bằng luật, nghị quyết của Quốc hội, mà bản thân HĐND TP cũng được trao quyền quyết định những cơ chế chính sách có đặc thù cho Thủ đô. Vì vậy, ông cho rằng, HĐND chỉ nên tổ chức ở TP, biên chế đại biểu có thể là 150 và tỷ lệ đại biểu chuyên trách khoảng 40%.

Chia sẻ về chính sách thu hút nhân tài, ông Nguyễn Công Long cho rằng, dường như chúng ta quan niệm nhân tài là những đối tượng, những con người có sẵn ở đâu đó tìm về. Nhưng có những con người có thể là ở mức độ bình thường, nhưng chúng ta đặt đúng vị trí, phát huy được tiềm năng bên trong họ thì họ đã trở thành nhân tài. Kinh nghiệm cho thấy rất nhiều sinh viên giỏi, những người được đào tạo tốt trong và ngoài nước nhưng khi về chúng ta sử dụng không hiệu quả, cuối cùng cũng không phát huy được.

Điều quan trọng nhất là sử dụng, bố trí, sắp xếp như thế nào cho hợp lý. Từng cơ quan, những người có trách nhiệm phải biết bố trí, sử dụng làm sao khơi gợi, thúc đẩy con người đó phát huy hết những tố chất cũng như các kinh nghiệm, kiến thức của mình.

Đọc thêm