Làm rõ hơn vai trò trung tâm động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển
Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) dẫn quy định tại dự thảo Luật khẳng định: "Thủ đô Hà Nội là trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước".
Theo đại biểu, nội dung này được thực hiện theo mục tiêu hướng đến trong Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước.
“Riêng về lĩnh vực kinh tế ngân sách, năm 2023, trong số 63 tỉnh thành, dự kiến mới chỉ có 18 địa phương thu đủ bù chi và nộp ngân sách về Trung ương theo Nghị quyết số 70 của Quốc hội khóa XV. Tôi được biết, hiện nay đã có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào TP Hà Nội. Đặc biệt, có khoảng 30 quốc gia là đối tác quan trọng thuộc Liên minh châu Âu, có tiềm lực rất lớn về tài chính, công nghệ”, đại biểu cho hay.
Ngoài ra, theo đại biểu, Hà Nội hướng tới hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp cũng như thiết lập quan hệ với các nước Bắc Âu. Đây sẽ là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Bắc Âu và doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu tìm hiểu môi trường đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh ở Hà Nội nói riêng và kết nối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay.
“Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2023, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, tôi kiến nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm 1 chương để làm rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển đối với vùng đồng bằng sông Hồng và đặc biệt là cả nước trong thời gian tới”, đại biểu nói.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, trong dự thảo Luật, quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô được thể hiện tại Điều 35. Đồng thời, tại các khoản khác của dự thảo Luật cũng thể hiện việc sử dụng ngân sách các cấp của Thủ đô để chi cho những hoạt động đặc thù cao hơn hoặc ngoài quy định đã có của Trung ương ở các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục y tế, an sinh xã hội, khoa học công nghệ, hỗ trợ đào tạo và cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức…
Theo đại biểu, quy định này được xây dựng trên cơ sở kế thừa của Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời, nội dung về tiền thu đất từ khoản 5 Điều 35 đã có sự điều chỉnh bổ sung so với các quy chế thí điểm về tài chính, ngân sách đang được áp dụng ở Thủ đô hiện nay.
Cụ thể, quy định này xác định ngân sách TP Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản tiền thu sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP. Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể, phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn vốn trên cơ sở đề xuất của TP Hà Nội.
Đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ tán thành với nội dung nêu trên. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc quy định được giữ lại tối đa như dự thảo Luật là chưa rõ, chưa xác định được khoản thu giữ lại cho ngân sách TP Hà Nội là bao nhiêu.
“Việc để lại cho TP cần đảm bảo phù hợp với Nghị quyết của Trung ương và quy định của Hiến pháp. Theo đó, ngân sách Trung ương phải bảo đảm giữ vai trò chủ đạo”, đại biểu nói.
Vẫn theo đại biểu, trong dự thảo Luật Thủ đô, quy định về thu hút nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô được quy định tại Điều 37 đến Điều 45 theo hướng phân quyền mạnh trong lĩnh vực đầu tư; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đa dạng hóa mô hình, phương thức đầu tư mới, qua đó giúp thu hút đầu tư xã hội để hỗ trợ cho nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Chú ý tổng thể cân đối chung
Góp ý về nội dung tăng thẩm quyền cho TP trong lĩnh vực đầu tư tại Điều 43 của dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai nhận định, các quy định tại Điều này đã tăng thẩm quyền mạnh mẽ cho TP về đầu tư công và đầu tư tư nhân so với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư.
Đặc biệt, việc giao thẩm quyền cho TP quyết định chủ trương đầu tư dự án trên 10.000 tỷ thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư công; trong đó dự án đường sắt đô thị không bị giới hạn mức vốn, còn đối với các loại dự án khác là không vượt quá 20.000 tỷ đồng.
Theo đại biểu, đây là quy định rất cần thiết, trao quyền chủ động tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho TP. “Tuy nhiên, việc giới hạn 20.000 tỷ đồng đối với các dự án khác là chưa rõ về cơ sở lựa chọn mức này. Tôi cũng mong sau khi sửa đổi Luật này thì Hà Nội sẽ có một bước tiến mới bứt phá để thực sự tương xứng đáng là Thủ đô của cả nước, Thủ đô hòa bình của cả thế giới được bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới ngưỡng mộ”, đại biểu nói.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ đồng tình với việc quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô tại dự thảo Luật vừa kế thừa nội dung Điều 21 Luật Thủ đô năm 2012, vừa đồng thời luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.
Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên họp. |
“Thực tế triển khai các quy định này thời gian qua cho thấy, các cơ chế, chính sách, thí điểm này phù hợp, có hiệu quả, nên cần được luật hóa để thực hiện chính thức. Trong đó, có quy định cho phép Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu thuộc thẩm quyền quản lý của TP để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thủ đô, vùng thủ đô”, đại biểu nói.
Tuy nhiên, nhấn mạnh Hà Nội là địa phương có số thu ngân sách nhà nước lớn thứ hai, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, đại biểu đề nghị cần phải chú ý đến tổng thể cân đối chung trong ngân sách đối với các lĩnh vực và địa phương khác.