Ngày 29/3/2017, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo chính thức cho EU biết là đảo quốc này sẽ ra khỏi EU sau 46 năm là thành viên của EU. Quyết định này thuộc về chủ quyền của nước Anh. Luật của EU quy định rõ là muốn được đứng trong hàng ngũ của EU thì ứng cử viên phải được sự chấp thuận của tất cả mọi thành viên của EU và việc kết nạp thành viên mới phải theo quy trình nhất định, nhưng bất cứ thành viên nào của EU đều có quyền tự quyết định việc ra khỏi EU.
Luật của EU cũng quy định cụ thể là sau khi thành viên kia chính thức thông báo cho EU về quyết định ra khỏi EU thì EU và thành viên ấy có thời gian hai năm để tiến hành đàm phán về cách xử lý tất cả những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ, đặc biệt về phương diện tài chính, cũng như về mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.
Nếu sau thời gian hai năm mà hai bên không đạt được thoả thuận thì thành viên kia sẽ ra khỏi EU mà không dàn xếp được gì cho tương lai của quan hệ với EU. Ai cũng hiểu là chuyện ra khỏi liên minh này như đã “quyết bước chân đi thì cấm kỳ trở lại”.
Chuyện đã rồi thì không còn có thể đảo ngược được nữa. Tức là nước Anh từ ngày 29/3/2019 sẽ ra khỏi EU, bất kể trước đó có đạt được hay không đạt được thoả thuận gì với EU.
Vậy mà mới rồi, Tòa án châu Âu - tòa án cấp cao nhất của EU - lại đưa ra phán xử rằng nước Anh có thể rút lại quyết định ra khỏi EU kia và vẫn là thành viên EU mà không cần phải đi qua quy trình và quá trình kết nạp lại, tức là không cần đến sự chấp thuận của 27 thành viên còn lại.
Trong luật của EU không quy định như thế và theo luật pháp hiện hành của EU thì không thể có chuyện như thế. Vậy mà Tòa án châu Âu lại phán quyết một cách chắc nịch như thế, chẳng khác gì trên thực tế và trong thực chất tạo ra cái lệ mới mà cái lệ mới này lại có thể lật ngược luật kia.
Tòa án châu Âu đưa ra phán xử này không phải ngẫu nhiên mà chủ ý, không phải về thời điểm mà có suy tính kỹ càng, không phải dựa trên cơ sở pháp lý hiện hành mà bị chi phối bởi chính trị. EU không muốn nước Anh ra khỏi EU nhưng không thể ngăn cản được Brexit vì đó là quyết định lựa chọn của phía Anh. Ở nước Anh, lực lượng phản đối Brexit rất mạnh.
Nhận thức chung là nếu bây giờ cho quyết định lại thì cử tri Anh sẽ không còn ủng hộ Brexit như đã ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý định mệnh đối với nước Anh vào mùa hè năm 2016. Vì thế, Tòa án châu Âu đã hỗ trợ EU trong chuyện khích lệ phía Anh xem xét lại quyết định về Brexit, để ngỏ cửa và luôn tạo cơ hội cho phía Anh quyết định lại và từ bỏ Brexit.
Cho nên phán xử nói trên của Tòa án châu Âu mang tính chính trị nhiều hơn là pháp lý, phục vụ cho mục tiêu chính trị nhiều hơn là sự phân định thuần tuý về pháp lý.
Động cơ và mục đích của Tòa án châu Âu với phán quyết này không có gì là khó hiểu. Cả việc EU “cố đấm ăn xôi” cũng vậy. Nhưng việc rút lại quyết định ra khỏi EU lại không dễ dàng gì nữa đối với phía Anh. Nước Anh đã đi quá xa trong việc này đến mức không còn có thể lùi được nữa.
Chuyện Brexit hiện chẳng khác gì như ván đã đóng thành thuyền đối với nước Anh trong khi có thể chưa đến mức độ như thế đối với EU. Cũng vì thế mà việc Tòa án châu Âu tạo lệ để lật luật xem ra không chỉ không có tác dụng trong trường hợp này mà còn rất có thể có tác động rất bất lợi tới hiệu lực và quyền uy của luật pháp của EU nói chung trong tương lai.
Nhân hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2018 này, các lãnh đạo EU lại phải nhức đầu vì hồ sơ Brexit. Một hôm sau khi giành thắng lợi trước phe phản kháng trong nội bộ đảng bảo thủ của bà, nữ thủ tướng Anh vào hôm 13/12/2018 đã đến Bruxelles tìm kiếm hậu thuẫn của các lãnh đạo EU.
Một cách cụ thể, bà Theresa May muốn Bruxelles chấp nhận thêm một vài nhượng bộ để có thể trấn an một số nghị sĩ Anh, mà đa phần đều có ác cảm đối với một vài điều khoản cụ thể của thỏa thuận. Tuy nhiên, EU đã từ chối các đòi hỏi của thủ tướng Anh bằng một văn kiện rõ ràng.