“Pháo đài” bảo vệ gia đình trước tội phạm, tệ nạn xã hội

(PLVN) - Đó là “công trình” được hình thành từ sự phối hợp giữa công an và phụ nữ vì sự bình yên của xã hội. Nội dung phối hợp xuất phát từ góc độ lấy gia đình là thiết chế bền vững bảo vệ các thành viên trước sự tấn công của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại Nghệ An.
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại Nghệ An.

Hòm thư tố giác ngăn chặn mua bán người

Đầu năm 2019, quen một thanh niên qua mạng xã hội, ngày nào Lý Thị S. ở huyện Mường Nhé, Điện Biên cũng được rót vào tai những lời đường mật khiến S. nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Khi được kẻ đó rủ về thăm nhà ở Lào Cai, S. đã nhận lời. Bạn trai đến đón S. đi Lào Cai bằng xe máy nhưng lại cứ loanh quanh ở khu vực biên giới, khiến S. sợ hãi.

Trong lúc hai bên giằng co, Tổ tuần tra Ðồn Biên phòng A Pa Chải đã phát hiện, kịp thời giải cứu S. và đưa về địa phương. Qua điều tra của lực lượng chức năng thì địa chỉ mà đối tượng nói dẫn Lý Thị S. về ra mắt bố mẹ hắn ở Lào Cai không có ai tên như vậy. Lúc này S. mới biết mình bị lừa.

Giống như Lý Thị S., Thào Thị P. ở huyện Mường Nhé, cũng là nạn nhân của một vụ mua bán người được công an giải cứu thành công hồi đầu năm 2018. Quen nhau được mấy ngày, C. (đối tượng bán người) rủ P. đi chơi hội xuân Mường Nhé.

Khi đến hội, C. lại rủ P. đi xã khác chơi vui hơn, nhiều trò chơi hơn nên P. đồng ý. C. chở P. bằng xe máy, đến một nơi xa lắc thấy toàn người xa lạ, nói tiếng cũng xa lạ thì P. bắt đầu thấy sợ và kêu khóc cầu cứu. Nhưng không ai hiểu và cũng không ai giúp được P. Còn C. thì cầm tiền rồi ngược xe quay về.

Thời gian qua, thực trạng tội phạm mua bán người tại tỉnh Điện Biên luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Nhiều phụ nữ và trẻ em nhẹ dạ, cả tin thường bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục...

Lý Thị S. và Thào Thị P. chỉ là hai trong số hàng nghìn nạn nhân bị các đối tượng mua bán người dụ dỗ bằng tình cảm, đã may mắn được lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Còn rất nhiều nạn nhận đã bị lừa bán sang Trung Quốc mà không hề hay biết, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn.

Trước thực trạng này, trong 3 năm qua, công an và phụ nữ tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp, bám sát, cụ thể hóa các nội dung kế hoạch phối hợp thực hiện trong Nghị quyết liên tịch 01/TW về quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội giai đoạn 2017-2020 do Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam ban hành (NQLT 01) để xây dựng kế hoạch triển khai để người dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm mua bán người và không để mình trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.

“Phần lớn phụ nữ là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người rất cao. Các cấp Hội đã tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về Luật Phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn lừa gạt của tội phạm và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Cung cấp số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống mua bán người; tham vấn tâm lý cho nạn nhân và người nhà nạn nhân bị mua bán người. Hội duy trì 19 hòm thư tố giác tại 19 xã thuộc huyện Điện Biên. Hàng năm, hội viên phụ nữ đã cung cấp hàng trăm tin có giá trị giúp cơ quan chức năng điều tra”, bà Lò Thị Luyến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên cho biết. 

Thào Thị P., nạn nhân mua bán người nhắc đến ở trên chia sẻ: “Sau khi được lực lượng chức năng giải cứu trở về địa phương, tôi tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật. Tôi và chị em đã hiểu rõ hơn về các thủ đoạn của các đối tượng mua bán người. Mọi người cùng động viên nhau tích cực tham gia đấu tranh, tuyên truyền cho gia đình và người thân, cần phải tỉnh táo, cảnh giác với những đối tượng quen qua mạng”.

Gia đình - thiết chế bền vững trước tội phạm và tệ nạn xã hội

 Đó là điểm xuất phát ý nghĩa, nội dung cốt lõi của NQLT 01 phối hợp giữa hai ngành công an và phụ nữ vì sự bình yên của xã hội. Chương trình phối hợp giữa hai ngành với những hoạt động xuất phát từ góc độ gia đình, lấy gia đình là thiết chế bền vững nuôi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người và bảo vệ các thành viên trước sự tấn công của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, có ý nghĩa rất lớn trong việc vận động hội viên phụ nữ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, giáo dục con em, người thân của mình phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội.

Kết quả cho thấy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong việc phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn xã hội (TNXH) từ gia đình, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với lực lượng Công an cùng cấp duy trì mô hình câu lạc bộ “Gia đình phòng, chống TNXH” và triển khai nhiều mô hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm và TNXH như mô hình: Gia đình không có người nghiện ma túy; Chi hội không có chồng con phạm tội và mắc TNXH; Phụ nữ liên kết phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế; xe loa tuyên truyền; Dòng họ tự quản; Tiếng kẻng an ninh; Làng tự quản gắn với chốt an ninh; Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật.

Từ năm 2018 đến năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận, xử lý 5.286 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và bạo lực gia đình; đã giải quyết 5.070 tin (đạt tỷ lệ 95,91%), trong đó nhiều tin báo, tố giác tội phạm do cán bộ hội viên, phụ nữ cung cấp. Điều tra, khởi tố 4205 vụ/4069 bị can xâm hại trẻ em; 45 vụ/34 bị can liên quan bạo lực gia đình; 283 vụ/448 bị can phạm tội mua bán người.

Tình hình tội phạm và TNXH với phụ nữ và trẻ em vẫn diễn biến khó lường

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em. Như vậy có thể thấy, tình hình tội phạm và TNXH xâm hại đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra rất phức tạp, khó lường. 

Chính vì thế, từ những bài học kinh nghiệm và kết quả triển khai trên thực tế trong 3 năm qua, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã đặc biệt nhấn mạnh các vấn đề hai ngành cần quan tâm để triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sát thực với tình hình của từng địa bàn, từng cấp: “Ví dụ, khu vực Tây Nam Bộ nhức nhối tội phạm xâm hại trẻ em, kết hôn với người nước ngoài với mục đích không trong sáng. Miền núi phía Bắc là vấn đề làm sao để con em không vi phạm ma tuý, ở các đô thị, thành phố lớn là làm sao để trẻ em tránh xa các trò chơi game, xâm hại tình dục, TNXH… Chú trọng sử dụng truyền thông điện tử để có cách tiếp cận phù hợp với giới trẻ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm, TNXH cho phụ nữ trẻ, cho thanh, thiếu niên”.

Đọc thêm