Cấm thiết bị thông minh để bảo vệ trẻ em
Lý giải việc ban hành luật này, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer trả lời trên kênh tin tức BFMTV rằng: “Chúng tôi biết rằng có hiện tượng “nghiện màn hình” do việc sử dụng điện thoại di động… Vai trò của chúng tôi là bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên. Đó là vai trò cơ bản của giáo dục. Vì vậy luật này được ban hành”. Mặc dù vậy, một số nhà làm luật vẫn nghi ngờ hiệu quả của luật này khi cho rằng, nó “chỉ mang đến những thay đổi nhỏ”.
Ông Alexis Corbière – một Thứ trưởng thuộc Đảng cánh tả Unbowed France, từng là một giáo viên nói: “Theo chúng tôi, đây không phải luật của thế kỷ 21 nhưng nó là một đạo luật của kỷ nguyên các kênh tin tức và tranh luận, cho dù tôi không biết giáo viên trên đất nước này lại cho phép dùng điện thoại trong lớp”.
Ông Corbière cũng cho biết thêm rằng, thực tế lệnh cấm này cũng đã được áp dụng với một đạo luật ban hành năm 2010. Đạo luật năm 2010 đã cấm việc dùng điện thoại thông minh “trong khi có hoạt động dạy học”. Nhưng đạo luật mới còn có ngoại lệ việc sử dụng điện thoại di động hay thiết bị thông minh đối với những sinh viên khuyết tật, trong các hoạt động ngoại khóa và cho “mục đích sư phạm”.
“Nghiện điện thoại di động” phá hủy não bộ
Trên thế giới, tình trạng gia tăng lệ thuộc vào điện thoại di động đã dấy lên một khái niệm “nghiện điện thoại di động”, nhất là trong thanh thiếu niên. Thuật ngữ này nhằm chỉ nỗi lo sợ không thể sử dụng điện thoại di động hay các thiết bị thông minh. Nghiện điện thoại di động hay internet đang ngày càng tăng và rất nhiều bằng chứng cho thấy chứng nghiện này đang phá hủy bộ não chúng ta theo đúng nghĩa đen.
Một nghiên cứu từ Hàn Quốc chỉ ra hoạt động não của những thiếu niên nghiện internet và điện thoại thông minh có mức độ giảm lượng tế bào thần kinh nhanh, kéo theo việc giảm tập trung, khó kiểm soát và dễ xao lãng. Nghiên cứu khác của Trường Khoa học chính trị và kinh tế London (Anh) cho thấy, việc cấm điện thoại thông minh ở các trường học đã cải thiện thành tích học tập của học sinh.
Theo nghiên cứu của Commom Sense Media, 50% thiếu niên cảm thấy không thể thiếu thiết bị di động, 69% phụ huynh và 78% thiếu niên “lướt” thiết bị di động ít nhất từng giờ, 72% thiếu niên thấy cần thiết phải lập tức trả lời tin nhắn, các tương tác trên mạng xã hội và những thông báo khác. Đa số phụ huynh (66%) thấy con họ sử dụng quá nhiều thời gian trên thiết bị di động, 36% cha mẹ phải tranh luận với con cái về việc này hàng ngày; 54% thiếu niên thấy cha mẹ kiểm tra điện thoại thường xuyên; một số phụ huynh (52%) cố gắng giảm thời gian sử dụng thiết bị thông minh.
CNN dẫn ý kiến các chuyên gia tư vấn một số cách để chống nghiện thiết bị thông minh. Theo đó, tắt điện thoại ở một vài thời điểm cố định trong ngày như trong các cuộc họp, ăn tối, chơi với con hay lái xe. Xóa các ứng dụng mạng xã hội (như Facebook và Twitter) và chỉ check-in trên máy tính. Cố gắng không dùng điện thoại trong một vài khoảng thời gian trong ngày (khoảng 15 phút/lần) nếu không ảnh hưởng đến công việc hay cuộc sống. Không mang điện thoại di động vào giường ngủ, thay vào đó là những thiết bị báo thức “lỗi thời”. Cuối cùng, thay thế thời gian sử dụng điện thoại thông minh bằng những hoạt động có lợi cho sức khỏe như thiền hay tương tác với người khác trong đời sống thực.