Pháp cảnh báo guy cơ khủng bố dịp EURO 2016?

(PLO) - Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve  cảnh báo về mối đe dọa tấn công khủng bố trong thời gian diễn ra Vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu 2016 (EURO 2016). Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang có những nỗ lực xuyên biên giới nhằm đấu tranh hữu hiệu hơn trước sự tấn công của các thế lực khủng bố.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve.

Phát biểu tại Ủy ban Thượng viện Pháp trước ngày diễn ra phiên họp của nội các nhằm thảo luận kế hoạch tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp, ông Cazeneuve nhấn mạnh sự kiện mang tầm cỡ quốc tế EURO 2016 có thể phải đối mặt với rủi ro bởi vẫn tồn tại khả năng các nhóm Hồi giáo cực đoan đang lên kế hoạch tấn công nước Pháp. Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ Pháp, Paris cần phải sử dụng mọi biện pháp có thể nhằm ngăn chặn mối đe dọa này.

Tình trạng khẩn cấp toàn lãnh thổ

Chính phủ Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố liên hoàn của các phần tử thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hôm 13/11 năm ngoái tại thủ đô Paris khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Theo luật của Pháp, trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, các cơ quan chức năng được phép giam lỏng một cá nhân tại nhà và triển khai các cuộc bố ráp mà không cần lệnh của tòa án. Bộ trưởng Nội vụ được phép ra lệnh giám sát chặt chẽ bất kỳ cá nhân nào được cho là có khả năng đe dọa an ninh công cộng. Những đối tượng này bị yêu cầu ở nhà vào ban đêm hoặc chỉ được phép di chuyển trong một khu vực giới hạn, phải trình diện cảnh sát 3 lần/ngày, một số đối tượng thậm chí còn bị gắn chip điện tử định vị.

Chính quyền Pháp hứa hẹn an ninh tối đa cho giải bóng đá châu Âu Euro 2016 tổ chức tại Pháp. Nhưng trong nội bộ, giới cảnh sát, quan chức cao cấp và chuyên gia rất lo ngại nguy cơ khủng bố, vì đây là mục tiêu lý tưởng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Một thành viên đơn vị chống khủng bố Pháp nói với AFP: “Đối với Euro 2016, thực sự chúng tôi rất khủng hoảng. Tôi vừa tham dự một hội nghị với ban tổ chức. Họ muốn biết nếu bị tấn công, liệu các trận thi đấu có thể nối lại vào hôm sau hoặc hôm sau nữa hay không. Tôi rất bực, hỏi lại : “Phải có bao nhiêu người chết thì mới dừng lại ?”. Tệ hại nhất là các khu vực dành cho người hâm mộ. Làm thế nào bảo vệ nổi ? Hơn nữa chúng tôi biết rằng nhiều địa phương thực sự do dự, có ý định hủy bỏ các trận đấu. Họ thậm chí không tìm được các nhân viên bảo vệ tư nhân trên thị trường. Và dù sao đi nữa, trách nhiệm ngăn trở điều tồi tệ xảy ra không phải thuộc về họ”.

Tuy nhiên, Yves Trotignon - từng là nhà phân tích chống khủng bố của cơ quan phản gián Pháp (DGSE)- thì dường như điềm tĩnh hơn: “Không ai có thể tự cho phép hủy bỏ giải Euro vì sự kiện quan trọng này mang tính biểu tượng và cả về kinh tế nữa, cần phải bình tĩnh vượt qua. Nhưng mọi người đều ngần ngại, và họ có lý”. Cơ quan an ninh Pháp đang băn khoăn lớn trước hai khả năng: Đối đầu với các ê-kíp khủng bố hùng hậu như ở Bruxelles, có dư thời gian để chuẩn bị khi mà ngày giờ và địa điểm đã biết rõ, tha hồ đi thám sát và khả năng thứ hai là hành động đơn lẻ của một kẻ nào đó hoàn toàn độc lập, không có dấu hiệu gì để có thể phát hiện trước như không có cuộc điện thoại hay thông điệp nào được phát đi! 

Nhiều nước đã xét xử rất nghiêm khắc những hành vi liên quan đến khủng bố.

Nhiều nước đã xét xử rất nghiêm khắc những hành vi liên quan đến khủng bố.

“Tăng tốc” chống khủng bố

Không thể để khủng bố lộng hành, nhiều quốc gia đã tăng tốc cho cuộc đấu tranh khó khăn này.

Một tòa án ở Tirana (Albania) vừa xét xử 9 đối tượng, trong đó có 3 giáo sĩ Hồi giáo với tội danh cung cấp tài chính và tuyển mộ binh sĩ tham chiến tại Syria. Theo tuyên án của tòa, ba giáo sĩ Hồi giáo gồm Bujar Hysa, Genci Balla và Gert Pashja bị kết tội tuyển mộ binh sĩ cho mục đích khủng bố, kích động hận thù và công khai kêu gọi thực hiện các hành động khủng bố, phải chịu mức án lần lượt là 18, 17 và 17 năm tù giam. Trong khi đó, 6 đối tượng khác cũng bị tuyên án với các tội danh tương tự, song chỉ chịu mức án nhẹ hơn.

Cùng ngày 3/5, một tòa án ở thủ đô Brussels của Bỉ đã tuyên mức án lên tới 7 năm tù giam đối với 26 đối tượng, trong đó có một đối tượng liên quan tới vụ đánh bom chết vào ngày 22/3 vừa qua tại Brussels. Theo hãng thông tấn Belga của Bỉ, hầu hết các đối tượng trên đều phải chịu mức án từ 6 tháng đến 7 năm tù giam, ngoại trừ một số trường hợp chỉ chịu mức án treo.

Còn Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, lực lượng cảnh sát bán quân sự nước này (đã bắt giữ 4 thành viên của một nhóm chuyên tuyển mộ và truyền bá cho các nhóm cực đoan sắc tộc hoạt động ở ngoại ô phía Nam thủ đô Madrid. Theo bộ trên, 4 kẻ bị bắt, gồm 3 người Maroc và 1 người Tây Ban Nha, “đã cầm đầu một tổ chức chuyên truyền bá hệ tư tưởng khủng bố kiểu thánh chiến, tuyển mộ và cực đoan hóa các thành viên mới”. Những thành viên của nhóm này “kiểm soát chặt cả việc diễn giải hệ tư tưởng thánh chiến cũng như các khía cạnh khác trong cách hành xử hàng ngày của chúng”.

Kết quả điều tra cho thấy, 4 đối tượng này đã phát triển một tổ chức ổn định, đồng thời “truyền bá tư tưởng thánh chiến thông qua nhiều trang web cùng các ứng dụng tin nhắn” cho hàng trăm người. Hiện cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành do Tây Ban Nha muốn tìm hiểu thêm về 4 đối tượng này và mạng lưới liên lạc của chúng do các mạng lưới tuyển mộ hiện nay là “nguồn tuyển mộ chính và chiêu nạp người dân vào các nhóm khủng bố, nhất là ở châu Âu”.

Trong khi đó, Bộ chỉ huy về các hoạt động chống khủng bố thuộc quân đội Algeria công bố báo cáo cho biết, hiện có 304 phần tử khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ nước này.  Theo báo cáo, các phần tử khủng bố tập trung hoạt động mạnh tại khu vực Quân khu 1 vùng Blida, cách thủ đô Alger 50 km về phía Tây Nam với 248 đối tượng; trong đó, 128 tên hoạt động trong các nhóm phiến quân thuộc khu vực Kabylie nằm ở phía Đông thủ đô Alger. Đặc biệt phải kể đến trong số này là 73 tay súng hoạt động dưới cờ hiệu của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng mà vụ đầu tiên do nhóm này thực hiện là bắt cóc và sát hại du khách Pháp Hervé Gourdel hồi tháng 9/2014. Quân khu 1 còn là nơi tập trung 120 đối tượng khủng bố khác hoạt động tại Tipasa, Médéa và Aïn Defla. Bên cạnh đó, còn có 56 tay súng đang hoạt động mạnh tại khu vực dãy núi Jijel và Skikda. 

Báo cáo của Bộ chỉ huy về các hoạt động chống khủng bố cũng đưa ra những cảnh báo về những nguy cơ tấn công khủng bố kép tại các tỉnh miền Trung nước này và kêu gọi chỉ huy các đơn vị quân sự phải chủ động đưa ra các biện pháp và tăng cường các hoạt động truy quét nhằm giảm tối đa nguy cơ tấn công khủng bố.

Kiểm soát an ninh đang được nhiều nước thắt chặt.

Kiểm soát an ninh đang được nhiều nước thắt chặt.

Bỉ và Đức “liên thủ”

Ngày 2/5, Viện Công tố Liên bang và Viện Khoa học Hình sự Bỉ cho biết, kể từ cuối tháng tư vừa qua, Bỉ và Đức đã bắt đầu tiến hành trao đổi dữ liệu về ADN nhằm tăng cường cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia và đặc biệt chống chủ nghĩa khủng bố cũng như tội phạm có tổ chức. 

Theo thông cáo chung mà hai cơ quan trên đưa ra, những thông tin trao đổi đầu tiên giữa Bỉ và Đức đã giúp các cơ quan chức năng phá nhiều vụ án (52 vụ giết người, 91 vụ liên quan đến tình dục, 330 vụ trộm cắp). “Việc này giúp chúng tôi đấu tranh tốt hơn với tội phạm có tổ chức đặc biệt tại vùng biên giới, nơi thủ phạm thường vượt biên để gây những tội ác khác”, Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Koen Geens nhấn mạnh trong thông cáo chung. Việc hợp tác cũng giúp truy tìm các nghi can hoặc điều tra thủ phạm các vụ khủng bố. Trước đó, Bỉ cũng tiến hành trao đổi dữ liệu về ADN với Hà Lan từ tháng 7/2014 và với Pháp từ tháng 1/2015. Dự kiến, trong tháng này, Bỉ sẽ ký kết một hợp tác tương tự với Luxembourg.

Phá từ “trứng nước”

Về phần mình, báo chí Anh vừa tiết lộ một chương trình định hướng mà chính phủ nước này thực hiện để ngăn chặn nguy cơ thanh niên Hồi giáo gia nhập các nhóm cực đoan. 

Chương trình trên được thành lập từ năm 2007 trong khuôn khổ hoạt động của Đơn vị Nghiên cứu, Thông tin và Truyền thông (Ricu) thuộc Bộ Nội vụ Anh. Ricu phối hợp với nhiều tổ chức cộng đồng tại các địa phương nhằm truyền tải thông điệp chống cực đoan đến giới trẻ vốn là đối tượng dễ bị lôi kéo bởi các chiêu tuyên truyền trên mạng Internet. Chương trình chủ yếu hướng tới nam giới theo đạo Hồi trong độ tuổi từ 15 đến 39 ở Anh, thông qua các bản tin phát thanh và phim tư liệu trên các trang web cũng như mạng xã hội. Ngoài ra, Ricu cùng với đối tác truyền thông của đơn vị cũng tổ chức nhiều buổi đối thoại về đề tài chống cực đoan tại các trường học. Trong hai năm trở lại đây, chương trình hướng giới trẻ nhận thức rõ hơn về các hành động man rợ của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Sau khi được báo chí Anh tiết lộ, Bộ Nội vụ Anh xác nhận sự tồn tại của “chương trình định hướng” do Ricu thực hiện và nhấn mạnh “mục đích của chương trình là ngăn chặn người dân trở thành những phần tử đánh bom liều chết”. Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội có trách nhiệm giám sát Ricu cũng cho rằng hoạt động này là thành phần quan trọng trong chiến lược ngăn chặn thanh niên Hồi giáo gia nhập các nhóm cực đoan. Nhiều cựu quan chức Chính phủ Anh giai đoạn 2010-2015 có biết về công việc của Ricu khẳng định sự cần thiết của chương trình trong nỗ lực của chính phủ chống lại thông tin tuyên truyền của IS. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ hồi tháng 9/2015, Thủ tướng Anh David Cameron từng tuyên bố Chính phủ Anh sẽ chi 10 triệu bảng (tương đương 14,67 triệu USD) cho “một đơn vị truyền thông chiến lược” nhằm ngăn chặn hoạt động truyền bá tư tưởng cực đoan của IS…

Đọc thêm