Mặc dù từng bị cáo buộc nhận tiền tài trợ của Libya trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007, nhưng phải tới ngày 20/3, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy mới bị cảnh sát bắt để điều tra xung quanh vấn đề này. Được biết, cuộc điều tra về khoản tài trợ cho cuộc bầu cử năm 2007 được khởi động từ tháng 4/2013, nhưng đây là lần đầu tiên ông Nicolas Sarkozy bị thẩm vấn về vấn đề này.
Giới truyền thông cho rằng, nguyên nhân ông Nicolas Sarkozy bị cảnh sát tư pháp Nanterre thẩm vấn và tạm giữ là do cựu Tổng thống bị nghi có liên quan đến việc nhận tiền bất hợp pháp từ chính phủ Lybia để tài trợ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình năm 2007.
Theo tờ The Guardian, đây là vụ bê bối chính trị tài chính lớn nhất tại Pháp trong nhiều thập niên qua và ngoài ông Nicolas Sarkozy, cảnh sát còn thẩm vấn ông Brice Hortefuex, cựu bộ trưởng và là chính trị gia thân tín của cựu Tổng thống.
Những cáo buộc được xuất phát từ ông Saif al-Islam Gaddafi, con trai cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, và doanh nhân người Pháp Ziad Takieddine. Theo đó, ông Nicolas Sarkozy đã nhận 50 triệu euro từ ông Muammar Gaddafi. Và số tiền này nhiều hơn gấp 2 lần mức tài trợ giới hạn hợp pháp cho cuộc vận động tranh cử tại thời điểm đó (21 triệu euro).
Theo lời khai của ông Ziad Takieddine, bản thân đã chuyển 3 vali tiền mặt đến thủ đô Paris trong giai đoạn 2006-2007 và giao chúng cho ông Nicolas Sarkozy, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 7 năm trước (tháng 3/2011), ông Saif al-Islam Gaddafi từng tuyên bố với tờ Euronews rằng, ông Nicolas Sarkozy phải trả lại số tiền từng nhận từ Libya và họ có bằng chứng về việc này. Gần 6 năm trước (tháng 4/2012), tờ Mediapart từng đăng một văn bản khẳng định được ký bởi một nhân vật cấp cao của chính quyền Lybia.
Ông Nicolas Sarkozy tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi ở Paris, Pháp, ngày 10/12/2007 |
Theo đó, chính quyền của ông Muammar Gaddafi đã phê duyệt số tiền trị giá 50 triệu euro để “ủng hộ” ông Nicolas Sarkozy. Văn bản này được viết bằng tiếng Arab và do tướng tình báo Mussa Kussa ký năm 2006. Nhưng khi đó, cả ông Nicolas Sarkozy và chính trị gia Claude Gueant (người từng là Bộ trưởng Nội vụ) đều phủ nhận thông tin của tờ Mediapart và coi đó là văn bản giả mạo.
Theo giới truyền thông, tháng 11/2006, ông Claude Gueant (nguyên Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Nicolas Sarkozy) nhận 1 valy tiền mặt trị giá 5 triệu euro từ chính quyền Lybia. Và số tiền này sau đó được chuyển cho ông Nicolas Sarkozy để phục vụ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Hơn 2 năm trước (16/2/2016), tại phiên tòa lấy lời khai của ông Nicolas Sarkozy, các công tố viên chủ yếu xoay quanh hoạt động của công ty Bygmalion (tổ chức một số sự kiện trong chiến dịch tranh cử của ông Nicolas Sarkozy) tại thời điểm năm 2012 bị cáo buộc đã cấp nhiều chứng từ giả mạo cho đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) để hợp lý hóa các khoản chi cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống với số tiền lên tới 18,5 triệu euro.
Theo kết quả điều tra, công ty Bygmalion đã cung cấp cho UMP (tên gọi trước đây của đảng Cộng hòa hiện nay) các giấy tờ giả mạo để chứng nhận cho những hoạt động phục vụ chiến dịch tranh cử, nhưng trên thực tế nhiều hoạt động không diễn ra.
Theo giới truyền thông, sau phiên tòa hôm 16/2/2016, ông Nicolas Sarkozy bị điều tra và quyết định của tòa đã giáng một đòn vào tham vọng tái xuất chính trường của ông Nicolas Sarkozy. Bởi khi đó ông Nicolas Sarkozy muốn tái tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2017.
Mặc dù đã phủ nhận cùng tuyên bố không biết gì về vụ gian lận tài chính của công ty Bygmalion, nhưng ông Nicolas Sarkozy vẫn bị cuốn vào cuộc chiến pháp lý sau khi Công tố viên thành phố Paris Francois Molins tuyên bố, cựu Tổng thống chính thức bị điều tra với cáo buộc lợi dụng hoạt động tranh cử năm 2012 để chi tiêu sai mục đích.
Theo cáo buộc của Công tố viên Francois Molins, ông Nicolas Sarkozy bị coi là “nhân chứng tiếp tay” trong các vụ giả mạo giấy tờ, gian lận và vi phạm lòng tin của công ty Bygmalion và các quan chức từng phụ trách chiến dịch tranh cử năm 2012 của cựu Tổng thống.