Vụ này xảy ra từ ngày 15/5, Công an cũng đã triệu tập nhóm người chặt phá để lấy lời khai, sau đó thả ra, nhóm người này ngang nhiên mở tiệc ăn mừng ngay trên vườn chuối mà họ vừa tàn phá. Nếu vụ này mà không bị khởi tố thì quả là pháp luật không được tôn trọng. Đặt cạnh vụ án làm sứt chiếc bàn ở Hà Nam mà người phụ nữ đơn thân đang nuôi con nhỏ bị tuyên phạt một năm tù thì càng thấy sự thiếu công bằng trong thực thi pháp luật ở mức độ nghiêm trọng.
Ngay tại thời điểm này, dư luận cũng cồn lên vụ một phụ nữ lái xe đi ngược chiều, lăng mạ cảnh sát giao thông, gây ách tắc đường phố tại TP Hồ Chí Minh mà chỉ bị xử lý hết sức nhẹ nhàng cho qua chuyện, tạo ra một “ranh giới mong manh” giữa xử lý hành chính và hình sự.
Mọi người nghĩ sao khi vào năm 2012, cũng tại thành phố này, cô nữ sinh lớp 12 vì quá bức xúc với cách hành xử của Cảnh sát giao thông, tát liên tiếp vào mũ bảo hiểm của người thi hành công vụ mà chỉ trúng có một lần rồi ngất xỉu. Khi ra tòa bị tuyên 9 tháng tù giam cô lại ngất và sau đó phiên phúc thẩm rút xuống còn 6 tháng tù giam, cô lại ngất tiếp.
Đặt cạnh hai hành vi này lại với nhau, rất dễ nhận thấy hành vi của người phụ nữ lăng mạ cảnh sát với thái độ hung hăng là nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Hiện tại, ở Sóc Trăng, có chuyện một cán bộ trại giam, Đại úy Công an được giao làm thủ quỹ đã kê khống tiền ăn của phạm nhân, tiền sửa chữa nhà cửa,... bỏ túi 257 triệu đồng. Khi bị phát hiện, cán bộ này đã hoàn trả số tiền chiếm dụng và được điều chuyển đi nơi khác. Sau đó, có tố cáo của người cùng đơn vị, thanh tra tiếp phát hiện ông này chiếm dụng 107 triệu đồng nữa. Hành vi tham ô đã rõ ràng nhưng chỉ bị xem xét kỷ luật về mặt hành chính, gây bất bình cho cả những đồng nghiệp và dư luận xã hội tại địa phương.
Những câu chuyện liệt kê trên đây là những dẫn chứng cụ thể cho việc áp dụng pháp luật thiếu sự công bằng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ gìn sự nghiêm minh pháp luật, làm suy giảm niềm tin vào công lý sẽ được thực thi.