Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trường trường ĐH Luật Hà Nội cùng các nghiên cứu sinh đến từ Bộ Tư pháp, Trường ĐH Luật Hà Nội; Trường Đại học Vân Nam (Trung Quốc), Trường Đại học Tài nguyên Môi trường; Học viện Tư pháp Lào...
Toàn cảnh Hội thảo “Pháp luật trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trường trường ĐH Luật Hà Nội cho biết trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Pháp luật trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế” với mục đích tạo diễn đàn học thuật chính thức để các nghiên cứu sinh và học viên cao học được tham gia sâu vào hoạt động nghiên cứu khoa học và có điều kiện công bố các sản phẩm khoa học của mình, thông qua đó góp phần hỗ trợ người học hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình đào tạo.
Sau một thời gian triển khai thực hiện kế hoạch hội thảo này, đến nay, đã có hơn 40 bài viết của các tác giả là giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đang công tác, học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội và một số nghiên cứu sinh nước ngoài đang học tập tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài gửi bài viết về cho Ban Tổ chức hội thảo. Các bài viết đã đưa ra những góc nhìn rất đa dạng, sinh động và có tính thực chất về thực trạng hệ thống pháp luật (bao gồm hai lĩnh vực cơ bản là luật công và luật tư) dưới sự tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng hội nhập quốc tế.
PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trường trường ĐH Luật Hà Nội Phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tại hội thảo, các nghiên cứu sinh đến từ các đơn vị, các trường đại học trong nước và quốc tế đã tham luận sôi nổi về 2 chủ đề lớn là Pháp luật công và Luật tư với các nội dung đáng chú ý như: Đánh giá tác động xã hội của chính sách khi xây dựng luật ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tình hình phát triển ngành luật dân tộc học của Trung Quốc và kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam; Chế định trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi phạm tội trong xu thế hội nhập quốc tế; Định hình khung pháp lý cho phân khúc thị trường bất động sản du lịch ở Việt Nam; Mối quan hệ pháp lý giữa các cơ quan quản trị nội bộ công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2013 của Lào; Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thế chấp nhà ở trong xu thế hội nhập và phát triển...
THS. Lê Tuấn Phong (Văn phòng Bộ Tư pháp) tham luận, đánh giá về tác động xã hội của chính sách khi xây dựng luật ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. |