Pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/02/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”, với ba đối tượng và hai chính sách đầu tiên, đến nay hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện, cơ bản đã bao phủ được hết các đối tượng người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng quà người có công huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa). (Ảnh: Chí Tâm)
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng quà người có công huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa). (Ảnh: Chí Tâm)

Thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”

Tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), nhiều người không khỏi xúc động trước sự có mặt của 300 đại biểu đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhiều trường hợp đặc biệt.

Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài, 83 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Sài Gòn. Mẹ đã mất đi người chồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng thời mất đi người con trong cuộc chiến tranh biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế. Với ý chí kiên cường, bất khuất của mình, Mẹ giấu nước mắt để tiếp tục cùng đồng chí, đồng đội tham gia hoạt động cách mạng. Bản thân Mẹ là thương binh, đã chịu nỗi đau của cơ thể khi hứng chịu bom rơi, đạn lạc trong quá trình hoạt động và trong thời gian bị địch bắt, tù đày.

Đó là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hồ Đức Vai (người dân tộc Pa Kô, ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) mang trên mình thương tật. Ông là một trong những đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Nam được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang (vào năm 1965); người đã từng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ, gia đình ông có đến 3 Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Đó là vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Cách (Gia Lộc, Hải Dương). Bà và chồng chưa kịp có với nhau người con nào, hiện bà sống một mình trong sự đồng cảm, đùm bọc của gia đình, làng xóm. Bà đã biến đau thương thành hành động, trở thành tấm gương tiêu biểu ở địa phương…

Báo cáo tuyên dương người có công với cách mạng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của xã hội…

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngay trong tháng 7 này, Nghị quyết về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; quyết định về tặng quà cho người có công với cách mạng, thân nhân của người có công được ban hành, có hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ đã xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; bảo đảm người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần...

Không ngừng hoàn thiện chính sách

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 9/12/2020, gồm 07 chương và 58 điều. Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và bổ sung đối tượng người có công và thân nhân. Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn. Chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng, cụ thể hơn…

Có thể nói, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện về diện đối tượng và chế độ ưu đãi, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho người có công, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, sự đột phá trong giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng cũng là một điểm nhấn quan trọng. Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam ngày 23/7/2023, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đã nhấn mạnh, trong những năm qua, việc giải quyết hồ sơ xác nhận người có công không còn lưu giữ giấy tờ gốc được Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành tiến hành thận trọng, từng bước nhưng khẩn trương theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng.

Đọc thêm