Pháp luật và những đòi hỏi cấp bách từ cuộc sống

(PLO) - Từ nghị trường Quốc hội, yêu cầu phải sửa luật (hoặc bổ sung) được đặt ra như một đòi hỏi cấp bách nhằm đáp ứng những sự biến chuyển của xã hội, chẳng hạn như đối với các trường hợp bị phát hiện sai phạm khi người gây ra những sai phạm đã nghỉ hưu hoặc quy trình, quy định, thủ tục từ chức, hay doanh nghiệp, công ty là “sân sau” của cán bộ lãnh đạo.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Hiện tại, từ một hiện tượng rất đáng phải quan tâm là nạn trộm chó và cái cách người dân “tự xử” kẻ trộm chó đã và đang đặt ra những vấn đề pháp lý phải giải quyết. Ví dụ, tách riêng hành vi này khỏi các vụ trộm cắp thông thường khác, coi đó là một tội danh độc lập, xử lý thật nghiêm khắc hành vi này, có những biện pháp mạnh tay với việc “đánh hội đồng” đến chết kẻ trộm chó.

Trong khi những vấn đề này chưa được giải quyết thì trộm chó ngày càng lộng hành, chúng còn trang bị những vũ khí sát thương nguy hiểm, sẵn sàng chống trả để giải thoát. Cơn giận dữ của dân chúng như lửa đổ thêm dầu, kẻ trộm chó bị đánh, nhục mạ, hành hạ, xe cộ bị đốt, có người bị đánh đến chết, gây nên những cảnh tượng kinh hoàng, không đáng có trong một xã hội quản lý bằng pháp luật. Mới đây nhất là một người đàn ông trộm chó bị đánh, bị nhốt vào lồng với con chó chết, bị bêu riếu, trường hợp khác, một phụ nữ trộm chó cũng bị đánh tơi tả, đem con chó chết treo vào cổ diễu phố,...

Một trong những nguyên nhân gây ra thảm cảnh trên được cho rằng do pháp luật không nghiêm dẫn tới các hành vi “tự xử” hết sức manh động. Tình trạng pháp luật không nghiêm hoặc không minh, thiếu thống nhất sẽ gây nên sự bất công và phản ứng không tốt từ phía người dân. Một cán bộ văn phòng ở Gia Lai giả chữ ký của thủ trưởng chiếm đoạt 200 triệu đồng, sau khi xử lý hành chính đã chuyển hồ sơ sang phía Công an xem xét mặt hình sự.

Trong khi đó, một Phó Chánh Văn phòng, Kế toán trưởng của Sở Nội vụ ở Kiên Giang biển thủ công quỹ trên 400 triệu đồng chỉ bị xử lý hành chính là cách chức. Đặt hai sự việc cạnh nhau, dư luận có sự so sánh thấy rõ việc thực thi pháp luật không thống nhất, đấy là chưa kể đến việc so sánh với các vụ án khác, thiệt hại nhỏ nhưng hình phạt rất nặng.

Cuộc sống vận động không ngừng, thủ đoạn tội phạm thì ngày càng tinh vi, những cái gọi là “kẽ hở pháp luật” thì bị khai thác triệt để, các hành vi tự phát của dân chúng ngày càng nhiều. Họ không chỉ “tự xử” những tên kẻ trộm mà còn chặn đường quốc lộ, vây nhà máy, công xưởng, tập trung đông người phản đối, gây áp lực với chính quyền địa phương.

Tình trạng chưa bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn theo đúng pháp luật hiện hành, rất cần đến sự bổ sung pháp luật, có đường hướng rõ ràng, có chuẩn mực pháp lý cần thiết để giải quyết tình trạng, xử lý các hành vi trên, đặc biệt là những hành vi đó phải được điều chỉnh bằng pháp luật và diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.

Đọc thêm