Ẩu đả từ ánh nhìn vô thức của thiếu nữ

(PLO) - Nguồn cơn xuất phát từ… cái nhìn vu vơ của thiếu nữ, nhóm 12 thanh niên đã lao vào ẩu đả. Dù đã nhanh chóng phát hiện trong nhóm đối phương có cả người thân của mình nhưng vì “máu trai làng” mà chú – cháu đương đầu hỗn chiến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hỗn chiến từ… cái nhìn 
Sự việc xảy ra vào một buổi chiều Tết 2014, Nguyễn Thị Huệ (SN 1994) vô thức nhìn về phía nhóm Nguyễn Đắc Tú (SN 1994), Hoàng Đình Tuyển (SN 1994), Hoàng Tiến Đoàn (SN 1994) và Nguyễn Huy Ngọc (SN 1994) đang đừng chờ bạn khi Lê Văn Quyền cùng tuổi chở ngang qua. Chẳng rõ xui khiến gì từ một ánh nhìn mà đôi bên lời qua tiếng lại với nhau. 
Sau đó, Quyền tiếp tục đèo Huệ đi thì bị nhóm thanh niên trên đuổi theo hành hung. Lạ một nỗi, Huệ và Đoàn đã  quen biết từ trước, thế nhưng Đoàn lại chẳng hề can ngăn mà còn hỗ trợ đắc lực, góp phần theo Tuyển dẫn đoàn đánh Quyền và lạnh lùng nhìn Tuyển “thượng cẳng chân” vào cô gái chạc tuổi mình…
Vừa đau vừa giận, Huệ gọi điện cho Nguyễn Duy Mạnh (SN 1992) - anh bạn lớn tuổi của mình hẹn gặp “mách tội” và bàn với anh này chuyện phục thù. Mạnh nhanh chóng chấp thuận, Huệ thấy được hậu thuẫn liền gọi cho Đoàn hẹn điểm tiếp tục đánh nhau. Lúc này, nhóm Đoàn đang chúc Tết liền rủ luôn “chủ nhà” là Nguyễn Mạnh Cường (SN 1994) tham gia. Nói rồi cả nhóm kéo đến điểm hẹn. 
Vừa tới nơi, Nguyễn Đắc Tú nhận ra chú họ của mình là Nguyễn Duy Mạnh. Thanh niên này đã chủ động đến nói chuyện với Mạnh. Nhưng bởi đều chỉ là những người liên quan và muốn “bảo vệ” bạn mình nên chuyện “chú – cháu” bị gạt sang một phía, nhường chỗ cho “tinh thần hiệp nghĩa”. Mạnh cậy hơn tuổi, lớn tiếng truy tìm: “Đứa nào đánh em tao?”. 
Chưa ai kịp phản ứng, Huệ nhanh nhảu chỉ Tuyển: “Thằng này vừa đánh em”. Ngay tức khắc, Mạnh đạp thẳng vào bụng khiến Tuyển ngã văng một quãng. Thừa thế, Huệ xông vào đạp Tuyển trả thù. Tiện tay vơ được viên gạch, Tuyển liền ném và đập vào đầu Mạnh. Không kém cạnh, Mạnh cũng lấy gạch và nhằm thẳng đầu Tuyển mà giáng.
Lúc này các đối tượng trong nhóm Tuyển còn có Đàm Minh Phúc (SN 1994) và Nguyễn Mạnh Cường cũng dùng gạch ném Mạnh, Đoàn cũng xông vào đấm đá. Hoảng hốt, Huệ hô hoán và chửi bới nhóm Tuyển thì Nguyễn Tuấn Anh (SN 1993) đi cùng mới lập cập cầm gạch ném lại nhóm Cường. Chỉ vài giây, Tú lôi dao đã tiện cầm từ nhà Cường đuổi chém Huệ nhưng không gây thương tích. Chỉ khi có tiếng hô công an, cả nhóm mới dáo dác bỏ chạy.
Gây “tội” chưa thỏa còn dây “vạ” tới anh em
Sau việc xô xát, Tuyển gọi cho anh trai là Hoàng Đình Toàn (SN 1990) nói lại sự việc trong lúc đang được sơ cứu tại bệnh viện. Về phía Mạnh, trong lúc sơ cứu, phát hiện ra bị mất vòng đeo cổ nên nhờ Nguyễn Hoàng Anh (SN 1992), Chu Lý Hiến cùng 1 người bạn nữa quay lại tìm. 
Chuyện lại càng lớn khi Hoàng Đình Toàn mang theo dao quắm đi trả thù cho em. Trên đường đi bắt gặp nhóm Tuấn Anh tới tìm vòng cho Mạnh, Toàn liền nhảy xuống xe đuổi theo Hoàng Anh và Giang. Tú cũng nhanh lẹ góp sức đuổi theo cùng Toàn và chém trúng lưng Hoàng Anh gây chảy máu. Hiến sợ hãi đèo Tuấn Anh chạy tới nhà em họ mình là Chu Lý Lịch (SN 1996) cầu cứu. 
Mặc dù tuổi nhỏ nhưng “nghĩa khí” của Lịch chẳng thua đàn anh. Mới nghe tiếng Hiến gọi cứu, Lịch đã lấy ngay con dao phớ chạy ra ứng cứu mà không màng đầu đuôi. Thấy nguy, Toàn cuống quít bỏ chạy thì vấp ngã và lĩnh trọn 2 nhát dao thấu tay của Lịch. Kịp hoàn hồn, Hiến cùng Tuấn Anh cũng vơ dao trong nhà truy sát Toàn. Chỉ đến khi người dân hô hoán, Lịch, Hiến và Tuấn Anh mới dừng tay chạy trốn…
Còn lại chuyện họ hàng
Ngồi tách riêng ở băng ghế cuối, một bác luật sư già cùng một bác nhà giáo về hưu lặng lẽ mân mê xấp tài liệu. Hôm nay hai bác đến chốn pháp đình không chỉ để nghe pháp luật phân xử cho con, cháu mình mà còn để xem hậu quả của phút thể hiện đã khiến mối quan hệ chú – cháu trẻ của họ hàng đi tới đâu. Chuyện xảy ra cũng đã lâu, số lần nhận giấy triệu tập tới toà cũng không phải ít nhưng ngẫm lại nguyên do vẫn thấy thật bi hài.
“Vợ con đề huề rồi mà chú cháu lại đi đánh nhau vớ vẩn, lên ông lên bà đi giải quyết mấy chuyện này thật xấu hổ – chú Cường, bố Mạnh ngán ngẩm - Có lớn mà không có khôn, chú cháu nhận nhau rồi mà lại vẫn đánh, giờ họ hàng nhìn vào, cả 2 nhà nhìn nhau cũng khó mở lời”.
Bố Nguyễn Duy Mạnh vốn là người nóng tính lại đôi chút chiều con nên ngay khi biết chuyện con bị đánh chấn thương đầu đã buông lời lớn tiếng với gia đình Tú. Thế nhưng nhìn lại cũng đều là con cháu trong nhà, con mình cũng chẳng đúng nên sự việc càng khiến ông cảm thấy nặng nề, buồn và chán. 
Mạnh là con lớn trong nhà, được học hành đầy đủ vậy mà không hiểu do đâu, mấy năm trở lại đây bỗng thay tính đổi nết, nóng nảy quậy phá khiến không chỉ vợ Mạnh, bố mẹ Mạnh mà làng xóm đều ngán ngẩm. Gia đình và mọi người xung quanh càng buồn bao nhiêu thì bản thân Mạnh lại như được lòng bạn bè bấy nhiêu. Trông dáng người thư sinh ấy thật khó thể ngờ đấy là bậc “đàn anh” trong đám thanh niên làng. Hễ có sự vụ gì đều được hỏi han hay nhờ Mạnh trợ sức. 
Ngày Mạnh lấy vợ, gia đình những mong Mạnh chỉn chu làm lại cuộc đời thì không ngờ chuyện tai vạ này ập xuống. “Lúc sáng trông thấy con bình thường mà vài tiếng sau lại trông nó máu me bê bết. Tết với nhất, bực lắm! mà cũng tầm này năm trước đã bị phạt hành chính tội gây rối trật tự công cộng rồi đấy chứ! – mẹ Toàn sụt sùi  - Bố nó từ ngày ấy lại càng khó tính, hay gắt. Cũng khó vì con mình lớn đầu, bậc làm chú mà lại hung hăng, lại còn là tội tái phạm”…
Chia sẻ của gia đình Mạnh ngắt quãng khi nhắc đến Huệ. Gia đình “không muốn” bàn luận bởi Huệ không phải người địa phương nên không rõ, chỉ thấy không hài lòng bởi Huệ là bạn Mạnh, vậy mà lại là nguyên do dẫn đến một chuyện chẳng ra sao, con cháu họ đổ máu, nội bộ họ hàng lục đục, gia đình nhỏ của Mạnh cũng chẳng yên ấm từ ngày đó đến giờ. Hơn nữa, thấy thái độ hững hờ của gia đình Huệ trước việc sai trái hay chuyện gánh án theo hồ sơ đe doạ tương lai của con họ  khiến bố mẹ Cường chỉ biết lắc đầu…
Về phần Lịch, do là em họ của Hiến nên mới loáng thoáng nghe anh kêu cứu cũng cứ thế xông ra, chẳng cần nghe đầu đuôi hay, dở ra sao. Cậu chàng 19 tuổi này hung hãn lại tàng trữ vũ khí, đồ vật nguy hiểm đã khiến người nghe càng không khỏi bất ngờ khi xuống tay dứt khoát đến thế và khó tránh được chuyện đối diện với án “Cố ý gây thương tích” theo tên mình đến hết tương lai. Hay tương tự, Toàn cũng vậy, cũng từ cuộc điện thoại của em mà người cha này bỏ Tết với 2 con đi trả thù để rồi vừa là thủ phạm gây ra nhát chém cho Hoàng Anh, vừa là nạn nhân của Lịch và nay vẫn mang theo thương tật 7% là những vết sẹo dài tựa như đánh dấu dấu tích…
Được biết, bởi tình tiết diễn biến nhanh lại phức tạp, do nhiều người tham gia và gần như chia thành hai nhóm tội danh nên việc xét xử buộc phải đông đủ. Thế nhưng cũng do đông người mà suốt từ đó đến nay, ra toà đến mấy lần vẫn chưa xử được vì vắng người này, người kia. 
“Có thế nào thì thôi cũng xử đi cho xong, chứ kéo dài mãi mệt mỏi lắm… ngày nào cũng thấp thỏm chuyện hầu toà khiến vợ chồng thằng Mạnh lục đục mãi” – mẹ Mạnh buồn rầu nhìn về hướng băng ghế cuối, nơi có bác cựu giáo viên ngồi: “Họ hàng cả năm nay cũng ngại qua lại, căng thẳng quá nên nay các bác trưởng họ mới đích thân đi theo xem sao đấy chứ”.
Phiên xử lại hoãn do thiếu bị can. Những bậc phụ huynh mái đầu muối tiêu lại lầm lũi mang tâm trạng rầu rầu trở về. Cứ nghĩ về nguyên nhân ban đầu xuất phát từ một ánh nhìn vu vơ mà nhóm thanh niên đã khơi lên thành mâu thuẫn. Từ những chuyện nhỏ nhặt ấy lại khiến ngày vui năm mới bỗng dưng trở nên ảm đạm và mỏi mệt cho chính gia đình mình. Có lẽ bởi khi trong người đã có hơi men, cộng với lối hành xử hung hãn kiểu côn đồ hòng ra oai, giương uy của một bộ phận thanh niên vùng nông thôn đã gây ra vụ việc đáng tiếc đến thế. 
Luật sư Thân lắc đầu: “Càng ngày càng nhiều những vụ thanh niên choai choai lôi nhau đến tòa vì hỗn chiến. Không những thế còn nhiều đối tượng tái phạm nhiều lần hay vướng vào những tội danh tương đương”. 
Phải chăng, câu chuyện thị uy bằng nắm tay, cẳng chân hay con dao, cây phớ mới làm nên vị thế trong suy nghĩ của một nhóm thanh niên mới lớn? Nhìn tuổi những bị can trong trận hỗn chiến trên thật đáng buồn. Và càng ái ngại hơn khi hầu hết các bị can trên đều là những thanh niên có ăn học đàng hoàng. 
“Hẳn là thực trạng trên đòi hỏi gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, sâu sát hơn nữa để có biện pháp đủ mạnh nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi có tính chất côn đồ như vậy. Hơn hết, có lẽ cần phải có những phương pháp làm thay đổi nhận thức về cách xử lý vấn đề không dùng nắm đấm. Có như vậy mới mong ngăn chặn được những hậu quả đáng tiếc xảy ra” – vị luật sư già bày tỏ…/.

Đọc thêm