Bất ngờ danh tính giám đốc nhập khẩu hơn 10 tấn ngà voi, vảy tê tê

(PLO) - Khi nhắc đến lô hàng khủng với hơn 10 tấn ngà voi và vảy tê tê được nhập khẩu trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ thì ai cũng nghĩ đến chủ lô hàng này phải là một đại gia, một tỷ phú hoặc có tài sản kếch xù... Nhưng danh tính người đứng tên giám đốc công ty này lại khiến nhiều người bất ngờ... 
Chân dung vị Giám đốc Cty Thiên Trường Sử
Chân dung vị Giám đốc Cty Thiên Trường Sử

Như Báo PLVN đã đưa tin, ngày 4/10, Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an), lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quan Đà Nẵng kiểm tra phát hiện một lô hàng hơn 10 tấn ngà voi cắt khúc, vảy tê tê và nhựa phế phẩm từ Nigieria đang làm thủ tục nhập cảng Tiên Sa.

Lô hàng được xác định là của Công ty TNHH Thiên Trường Sử có trụ sở đăng ký kinh doanh là tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Tuy nhiên, một sự thật ít ai biết đến, ông chủ - người đứng tên đại diện pháp luật của Cty Thiên Trường Sử lại là một người dân bình thường, là thôn đội trưởng gương mẫu nhiều năm và không hề biết đến hoạt động của công ty.

Những ngày đầu tháng 11/2018, khi phóng viên PLVN đến xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp để tìm hiểu về hoạt động của công ty có lô hàng “khủng” trên thì bất ngờ thấy giám đốc – người đại diện pháp luật của công ty có lô hàng có mặt ở nhà và không hề hay biết đến lô hàng của công ty mình đứng tên bị bắt giữ.

Người cậu ngỡ ngàng khi biết công ty mình đứng tên bị bắt khi nhập khẩu hơn 10 tấn ngà voi và vảy tê tê
Người cậu ngỡ ngàng khi biết công ty mình đứng tên bị bắt khi nhập khẩu hơn 10 tấn ngà voi và vảy tê tê

Ông Trương Văn Chính – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho hay, khi báo đài đăng tin về vụ bắt lô hàng10 tấn ngà voi và vảy tê tê trái phép mới biết là ở địa phương có công ty Thiên Trường Sử. Ông Chính chia sẻ, nếu ở địa phương có doanh nghiệp lớn như thế này thì địa phương phải mừng lắm, ít nhất cũng đóng thuế cho địa phương được ít nhiều, tạo công ăn việc làm hay làm các công tác an sinh xã hội. 

Điều bất ngờ hơn là người đại diện pháp luật lại là anh Nguyễn Xuân Sử (SN 1974, trú tại xóm Đoàn Kết), vì trước nay anh Sử không hề làm ăn buôn bán gì hay kinh doanh gì.

Ông Chính cho biết thêm, anh Sử có hoàn cảnh khó khăn, mẹ già đau yếu, mới lập gia đình được một năm nay và chưa có con. Thường ngày anh đi làm thuê, chủ yếu là lắp điện trong nhà cho các hộ dân xây dựng hoặc sửa chữa điện.

Anh Sử còn là thôn đội trưởng (dân quân tự vệ xã) từ nhiều năm nay và được bà con yêu quý.    

(Giám đốc Cty Thiên Trường Sử nói về quá trình làm hồ sơ công ty, giao cho cháu quản lý, còn bản thân không biết công ty hoạt động ngành nghề gì)

Ông Đinh Trọng Thường – Trưởng công an xã Nghĩa Xuân cho biết, sau khi xảy ra sự việc, phía Công an Đà Nẵng, Công an Quỳ Hợp (Nghệ An) đã đến địa phương tìm hiểu về nhân thân cũng như hoạt động của công ty. Từ trước đến nay, Cty hoạt động như thế nào cũng không ai biết, anh Sử được công an làm việc nhiều lần, được triệu tập vào Đà Nẵng để làm việc sau đó cho về nhà.

Từ trước đến nay, anh Sử không có dấu hiệu gì vi phạm pháp luật mà còn là người hiền lành, được người dân tin yêu, ông Thường cho biết thêm. 

Tại trụ sở ủy ban xã Nghĩa Xuân, anh Nguyễn Xuân Sử cho biết, việc anh đứng tên Công ty Thiên Trường Sử là do một người cháu nhờ. Do quan hệ gia đình nên anh cũng không có nghi ngờ gì, và cũng không biết là hoạt động ngành nghề gì.

“Tôi chỉ photo CMND, sổ hộ khẩu và ký vào đơn xin thành lập công ty, chữ ký cũng chỉ ký chữ Sử thông thường chứ còn không biết công ty hoạt động như thế nào. Khi hỏi, cháu nói hợp tuổi thì nhờ đứng tên, cháu nói làm xuất nhập khẩu nông sản thì làm chứ không biết gì. Ngày nghe tin trên ti vi Công ty mình đứng tên bị bắt lô hàng trên thì mới biết. Tôi cũng không có được hưởng lương gì của công ty, không điều hành công ty ngày nào cũng không biết công ty hoạt động như thế nào, có bao nhiêu người…”, anh Sử nói.

(Nhà riêng của vị "giám đốc bất đắc dĩ")

Anh Sử cho hay, người cháu nhờ anh đứng tên là Lê Anh Tuấn (SN 1984 – người địa phương) trước có doanh nghiệp vận tải, sau đó đi làm ăn ở đâu đó xa anh không biết. Trước và sau khi xảy ra sự việc anh cũng chưa gặp lại người cháu của mình lần nào. 

Một lần đơn vị bảo hiểm đến nhà tìm anh Sử thì vợ anh mới biết là anh làm giám đốc "công ty gì đó". Anh Sử cho biết thêm, từ bé đến khi công an Đà Nẵng triệu tập, anh đi xa nhất là tới Hà Tĩnh.

“Liên lạc lại với cháu để hỏi đầu đuôi việc này nhưng không được, không ai biết cháu ở đâu. Công an có mời tôi vào Đà Nẵng một tuần để lấy lời khai, tôi cũng khai rõ mọi việc như thế thôi, rồi công an cho tôi về nhà…”, anh Sử giãi bày.

Ngôi nhà vị “giám đốc bất đắc dĩ” này nằm sâu trong con ngõ bằng đất đá, một căn nhà cấp 4 bình thường.

Căn nhà dưới, người mẹ già ốm nhiều năm nằm kêu vì cơn đau, người vợ mới cưới từ ngoài bước vào, cười chào khách và nói vui “vợ giám đốc đang đi xin rau về ăn tối đây”. Trên tay chị là nắm rau lang mới hái bên nhà hàng xóm. 

Một thôn đội trưởng lại là “giám đốc bất đắc dĩ” của công ty có lô hàng “khủng” bị bắt lại có một gia cảnh khó khăn, không hề hay biết đến công ty mình đứng tên đang hoạt động ngành nghề gì hay buôn bán gì khiến nhiều người dân bất ngờ. Vậy ông chủ thực sự của lô hàng trên là ai, phía cảnh sát đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra làm rõ.

Đọc thêm