Đã tìm ra nguyên nhân cái chết của người vợ trẻ?

(PLO) - Đã gần 20 ngày, từ ngày 24/7 sau khi vụ việc cái chết đầy uẩn khúc của người vợ trẻ trong nhà trọ số 361 tại ngõ 26B Trần Quý Cáp, Hà Nội, dư luận vẫn chưa thôi bàn tán về nguyên nhân cái chết của nạn nhân Phạm Thị Ngọc Bích (SN 1990).
Hiện trường xảy ra vụ việc.
Hiện trường xảy ra vụ việc.

Mới đây ngày 4/8, cơ quan công an điều tra quận Đống Đa, Hà Nội đã làm việc với gia đình nạn nhân Phạm Thị Ngọc Bích để thông báo kết luận giám định pháp y tử thi cho gia đình.

Theo bản Kết luận giám định pháp y tử thi số 4429, PC54 – PY ngày 03/8/2016 của Phòng KTHS – Công an TP Hà Nội, trên thi thể nạn nhân không có dấu hiệu bất thường,  trong thi thể nạn nhân không có các chất độc thường gặp, không có chất kích thích, ma túy trong máu. Kết luận nguyên nhân cái chết được xác định là do “ngạt cơ học do treo cổ” dẫn đến hiện tượng xung huyết mạch chảy máu rải rác, mô động mạch lớp nội mạc bị rạn, giập các mức độ khác nhau quanh động mạch có xung huyết và tụ máu. 

Sau khi nhận kết luận giám định pháp y, bố mẹ đẻ chị Bích đã tiếp tục đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân về những vết thương bên ngoài của con gái mình. Trong biên bản làm việc với cơ quan công an điều tra, đại diện gia đình ông  Phạm Ngọc Xuyên, bố đẻ nạn nhân đã có kiến nghị xem xét các vết thương bên ngoài trên cơ thể chị Bích, đề nghị giám định cơ chế hình thành vết thương (nếu có).  Ông Xuyên cũng đề nghị cơ quan điều tra giám định dấu vân tay trên dây thừng, trên quần áo của nạn nhân. 

Trao đổi với phóng viên, ông Xuyên cũng cho biết gia đình ông đã mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con gái ông. Nhận định về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng Luật sư Kết nối, Hà Nội) cho biết, đối với những người tử vong do treo cổ có các dấu hiệu cơ bản để xác định nguyên nhân tử vong đó là vết tích trên cổ và tràn dịch trong phổi.

Như vậy, kết luận giám định pháp y về nguyên nhân tử vong là do ngạt thở, treo cổ là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguyên nhân nạn nhân treo cổ có phải do nạn nhân thực hiện hay do sự tác động từ bên ngoài. Nếu nạn nhân tự treo cổ thì vết tích trên người ở đâu mà có.

Cũng có các khả năng như do tác động từ trước khi nạn nhân treo cổ hoặc cũng có khả năng là khi đỡ nạn nhân xuống có các lực tác động lên cơ thể, đối với các nạn nhân đã tử vong thì rất dễ có vết tích khi có tác động ngoại lực vào.

Theo Luật sư Hùng, cơ quan điều tra sẽ phải dựa vào các vết tích có hiện trường, hiện trường vụ án, lời khai của người liên quan để có cách nhìn nhận, đánh giá tổng thể về nguyên nhân tử vong. Đối với lời khai của người chồng là 2 vợ chồng bàn bạc nhau tự tử, nhưng người chồng do chích thuốc ngất không biết việc vợ mình tự tử, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ tính chính xác của lời khai đó.

“Thông thường các vụ án dạng này người nhà bị hại rất đau xót về sự mất mát người thân trong gia đình nên sẽ suy đoán theo hướng là do người khác ép buộc hoặc bị giết hại. Vì thế, nhất thiết phải có điều tra xác minh để làm rõ và có kết luận cụ thể” - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh.

Đọc thêm