Đi xe hơi cướp giật nhiệt kế tại chốt kiểm dịch: Vì sao lại tuyên tịch thu chỉ 1/2 chiếc xe?

(PLVN) - Ngày 24/4 vừa qua, TAND huyện Nam Sách mở phiên toà lưu động xét xử sơ thẩm Lê Quang Huy (37 tuổi) về tội Cướp giật tài sản, theo khoản 2 Điều 171 BLHS. Phiên toà được áp dụng thủ tục rút gọn, được tường thuật trực tiếp trên hệ thống phát thanh của huyện nhằm tuyên truyền, giáo dục đến người dân.
Huy và chiếc xe dùng để tẩu thoát sau khi giật nhiệt kế
Huy và chiếc xe dùng để tẩu thoát sau khi giật nhiệt kế

Theo cáo trạng, vào hồi 20h5 ngày 9/4, Huy lái ô tô Toyota Vios 34A-174.79 chở vợ và con trai đi trên đường liên xã hướng từ xã Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương) ra TL 390. Khi đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến, Huy dừng xe.

Sau khi một thành viên của chốt đo thân nhiệt xong, Huy bảo cho xem và giật lấy máy đo thân nhiệt rồi nói “tao lấy luôn”. Huy phóng xe bỏ chạy về hướng thị trấn Nam Sách. Hai thành viên của chốt dùng xe máy đuổi theo song không bắt kịp.

Đến 21h50 cùng ngày, Huy cùng một thanh niên khác đi chiếc ô tô trên đến khu vực chốt kiểm soát dịch Covid -19 tại thị trấn Nam Sách và nói dối, cho rằng “trước đó có người em của Huy lái chiếc xe trên đi qua chốt kiểm soát dịch ở Nam Sách đã lấy một máy đo thân nhiệt”. Công an huyện Nam Sách đã lập biên bản tạm giữ chiếc xe ô tô biển số 34A-174.79 và chiếc máy đo thân nhiệt trong xe.

Đến 8h15 ngày 10/4, Huy tới Công an huyện Nam Sách đầu thú, khai nhận mình chính là người đã giật chiếc nhiệt kế.

Vụ án được dư luận quan tâm, vì đây là vụ việc xảy ra liên quan đến lực lượng phòng chống dịch trong thời điểm cả nước cách ly xã hội, hơn nữa nhiều người còn tò mò đặt câu hỏi: Huy có thể cướp giật chiếc nhiệt kế chỉ để “chơi chơi” chứ không nhằm hưởng lợi thì tuyên Huy phạm tội có đúng không? Vì sao Huy bị tịch thu một nửa giá trị chiếc ôtô dùng khi gây án để sung công quỹ? Tại sao lại không tịch thu luôn cả chiếc xe? 

PLVN đã đặt câu hỏi với LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) để làm rõ các vấn đề này:

Thưa LS, theo LS thì khởi tố, truy tố và xét xử tội: “Cướp giật tài sản” trong trường hợp này có thỏa đáng hay không?

- Theo tôi, tuyên Huy phạm tội “Cướp giật tài sản” theo Điều 171 BLHS là có căn cứ. Bởi vì sau khi chiếm đoạt tài sản, Huy đã sử dụng phương tiện nguy hiểm để tẩu thoát ngay. Tội cướp giật là tội cấu thành hình thức, không quan trọng giá trị tài sản bao nhiêu, cho nên khi thực hiện hành vi chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát là đã cấu thành tội phạm, không cần xác định giá trị tài sản chiếm đoạt. Giá trị tài sản chiếm đoạt chỉ là cơ sở để định khung hình phạt.

Trong vụ án này, chỉ cần xác định tước đoạt tài sản không thuộc chủ sở hữu của mình là phạm tội. Còn tài sản đó thuộc về cá nhân hay tổ chức thì không quan trọng, chỉ để xác định bị hại trong vụ án.

Bị cáo Huy bị truy tố, xét xử ở khoản 2 Điều 171 là phù hợp. Ô tô được xác định là phương tiện nguy hiểm (tức thủ đoạn nguy hiểm), vì quá trình dùng xe ô tô để tẩu thoát có thể gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc tính mạng của nhiều người khác.

Vậy còn tình tiết bị cáo đã “hối hận” quay lại trả tang vật và ra đầu thú, thưa LS?

- Việc Huy sau đó tự đến trả lại nhiệt kế đo thân nhiệt chỉ là một tình tiết giảm nhẹ. Vì như nói từ đầu, khi đã chiếm đoạt tài sản không phải của mình và tẩu thoát là hành vi phạm tội đã hoàn thành. Tình tiết tự nguyện trả lại này chỉ là một tình tiết giảm nhẹ khi xem xét mức hình phạt.

Trong vụ án này, tại sao lại tịch thu tài sản là xe ô tô và tại sao là 1/2 giá trị ô tô mà không phải cả chiếc xe?

- Việc tịch thu ô tô căn cứ theo Điều 47 BLHS. Trong trường hợp này, chiếc xe ô tô được xác định là phương tiện phạm tội. Những phương tiện, tài sản nào trực tiếp liên quan đến tội phạm đều bị sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. Việc tịch thu ô tô trong trường hợp này là đúng quy định pháp luật.

Còn tại sao chỉ tịch thu 1/2 chiếc xe. Có thể chiếc xe là sở hữu của hai vợ chồng Huy. Trong trường hợp tịch thu phương tiện gây án thì cần xác định chủ sở hữu của phương tiện đó. Tài sản thuộc sở hữu của Huy được Huy sử dụng để phạm tội thì bị tịch thu. Còn phần nào không thuộc sở hữu của Huy nhưng Huy sử dụng để phạm tội thì phải trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Nhưng lưu ý chủ sở hữu chỉ được trả lại khi không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo.

Theo tôi, việc HĐXX tịch thu 1/2 chiếc ô tô là đúng luật, hợp tình trong vụ án này.

Theo LS thì hình phạt 4 năm tù có quá nặng với Huy hay không?

- Trong vụ án này, việc xét xử Huy ở tội “Cướp giật tài sản” theo khoản 2 Điều 171 BLHS, theo tôi là đúng. Có thể nói là quá nghiêm khắc vì giá trị tài sản không cao; việc cướp giật lại không có toan tính, ý chí ngay từ đầu mà chỉ là hành vi bộc phát, nhất thời trong một tích tắc. Tuy nhiên, cũng có thể nói đó là mức án hợp lý khi cần răn đe những hành vi vi phạm pháp luật với lực lượng chức năng, nhất là thiết bị sử dụng phòng chống dịch bệnh trong khi cả nước phòng chống dịch Covid-19. Theo tôi, nếu bị cáo thấy cần xem xét lại, có thể gửi đơn đến cấp phúc thẩm.

Xin cảm ơn LS!

LS Quân cũng bày tỏ băn khoăn về quy định tại Điều 171 BLHS: “Theo tôi, ngay khi làm luật, đã xảy ra vấn đề ở tội danh này. Cướp giật thì thường phải dùng phương tiện nguy hiểm như ô tô, xe máy… để tẩu thoát nhanh chóng; chứ có mấy tên cướp chạy bộ hay đi xe đạp để gây án. Việc sử dụng phương tiện cơ giới để cướp giật gắn liền với nhau, là một yếu tố cấu thành tội phạm. Nhưng cũng chính phương tiện lại là tình tiết định khung hình phạt, như thế bị lặp lại ở trong cùng một tội danh”.

Đọc thêm