“Mượn” ngân hàng hàng triệu nhân dân tệ chỉ vì… “nghiện” chơi xổ số

(PLO) - Thế giới từng ghi nhận rất nhiều vụ trộm cướp, có nhiều vụ bí hiểm, có những vụ nhanh chóng bị lãng quên, nhưng cũng có những vụ đặc biệt kỳ lạ khiến người ta vẫn ghi nhớ dù rất nhiều năm trôi qua. Trong đó không thể không nhắc tới vụ đánh cắp tiền ngân hàng để chơi xổ số ở Trung Quốc hồi năm 2006.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ trước tới nay, trúng xổ số luôn được coi là điều may mắn ai cũng hằng mong ước có được vận may này một lần trong đời. Tuy nhiên, trong trường hợp của Ren Xiaofeng lại hoàn toàn ngược lại. Người đàn ông này đã thực hiện vụ trộm ngân hàng với ý định lấy tiền chơi xổ số, sau đó nếu trúng sẽ đem tiền trả lại. Đây được xem là vụ trộm lớn nhất và lạ lùng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

3 lần đánh cắp tiền ngân hàng 

Ren Xiaofeng vốn là bảo vệ của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), chi nhánh Handan ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh gần 300 dặm về phía nam. Sự việc bắt đầu vào mùa thu năm 2006, lần đầu tiên Ren Xiaofeng nghĩ tới chuyện “mượn” tiền ngân hàng. 

Khi đó, lợi dụng vị trí bảo vệ, biết mọi hoạt động cũng như nơi cất tiền của ngân hàng, Ren Xiaofeng cùng 2 đồng phạm cả gan “mượn” 200.000 NDT từ kho bạc của chi nhánh Handan của ABC. May mắn là họ đã trúng số bằng đúng số tiền đã “mượn” của ngân hàng. 

Lúc đầu sợ bị lộ nên Ren Xiaofeng đã lén hoàn trả ngân hàng số tiền trên. Nhưng sau không thấy ai đề cập đến số tiền 200.000 NDT tự dưng “không cánh mà bay”, rồi lại “lặng lẽ trở về”, Ren Xiaofeng cho rằng việc biển thủ ở ngân hàng - nơi mình làm việc quá dễ dàng, và vì muốn có tiền để mua vé số và trúng số nữa nên anh ta bắt đầu ủ mưu. 

Tự biết rằng, việc lấy tiền của ngân hàng sẽ không dễ dàng thực hiện với chỉ một người, đồng thời cũng không thể qua giám đốc chi nhánh. Do vậy, Ren Xiaofeng dã dụ dỗ được ông Ma Xiangjing- Giám đốc chi nhánh Handan làm đồng phạm.

Sau khi “đồng lòng”, Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng cùng lên kế thực hiện vụ biển thủ quỹ lớn nhất lịch sử Trung Quốc. Chờ thời cơ mùa xuân năm 2007, Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng đã tháo gỡ hệ thống an ninh của chi nhánh ngân hàng và lấy cắp khoảng 33 triệu NDT tiền mặt. 

Đến khi công an phát hiện hệ thống an ninh bị phá, họ gọi đến ngân hàng để xác minh và tiến hành điều tra sự việc. Tuy nhiên, Ren Xiaofeng đã chống chế, giải thích và viện một cái cớ rất đơn giản cùng lời xin lỗi, khiến không ai nghi ngờ và để tâm đến sự vụ. Công an cũng lại cho qua và không chú ý chuyện này nữa. 

Vụ cướp lần 2 diễn ra thành công, Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng tiếp tục dùng số tiền vứt vào trò chơi xổ số. Họ tung gần như toàn bộ số tiền vừa đánh cắp được mua một lượng lớn vé số, nhưng số tiền trúng thưởng không đủ bù lại số tiền đã “mượn” của kho bạc của ngân hàng. Và khi càng nhấn chìm và lún sâu vào những lần cá cược lớn, số tiền cướp được cũng dần cạn túi và chẳng có cơ hội nào để trả lại tiền cho ngân hàng. 

Chìm trong tuyệt vọng nhưng chơi vé số kiến thiết là trò nghiện, trúng số rồi thì càng muốn trúng nữa. Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng tiến hành phi vụ đánh cắp tiền ngân hàng một lần nữa. Từ ngày 16/3 đến ngày 14/4/2007, họ đã chuyển 6 hộp tiền chứa khoảng 18 triệu NDT và tiếp tục “nướng” vào xổ số.

Chân dung 2 kẻ trộm tiền ngân hàng Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng.
Chân dung 2 kẻ trộm tiền ngân hàng Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng. 

Mua một lúc số lượng lớn vé số nhưng Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng không gặp sự nghi ngờ nào từ cơ quan chức năng, vì tại thời điểm đó, mặc dù Trung Quốc đang chuyển dần sang các giao dịch điện tử, tiền mặt vẫn được sử dụng rộng rãi. 

Lần này, Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng đã thắng được 98.000 NDT nhưng con số này không thể bù đắp cho khoản “vay” mà họ đã lấy từ ngân hàng. Cuối cùng, ngân hàng đã phát hiện về việc số tiền quỹ bị thâm hụt.

Vào ngày 16/4/2007, Các quan chức ngân hàng ABC đã thông báo vụ việc cho cảnh sát, sau khi họ phát hiện hàng triệu USD đã “không cánh mà bay”. Trong khi đó nhận thấy mối nguy hiểm cận kề, Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng nhanh chóng chia nhau số tiền 4 triệu NDT, mua ô tô, làm thẻ căn cước giả và tẩu thoát.

Nhận án tử hình 

Ngay sau khi nhận được thông tin từ quần chúng, lập tức công an triển khai lực lượng truy bắt. Bộ An ninh Trung Quốc lập tức đưa Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng vào danh sách các đối tượng bị truy nã. Ma Xiangjing trốn chạy lên phía Bắc, đến Bắc Kinh, nhưng chỉ sau hai ngày đã bị bắt lại. Trong khi đó, Ren Xiaofeng trốn về Đông Nam Trung Quốc, đến thành phố Lianyungang, tỉnh Giang Tô. 

Ren Xiaofeng bị truy nã toàn quốc. Ảnh của tên này được dán khắp hang cùng ngõ hẻm, cùng khoản treo thưởng 50.000 NDT cho ai bắt được. Ngày 19/4/2007, nhân viên của một đại lý xe hơi nhìn thấy vị khách hàng tên Ren Xiaofeng xuất hiện với vẻ mặt hốc hác, râu ria lồm xồm cùng 210.000 NDT để mua một chiếc ô tô Honda 4 chỗ màu đen nên sinh nghi. 

Cùng ngày, Ren Xiaofeng bị phát hiện từ lời tố giác của 3 người: 2 người là tài xế  taxi, người thứ 3 là chủ nhà trọ của anh ta. Tại hiện trường, công an thu hồi 5,50 triệu NDT, đồng thời phát hiện Ren Xiaofeng và Ma Xiangjing đã chi 45,35 triệu NDT vào việc chơi xổ số.

Ngày 12/1/2015, Tòa án Trung Quốc đã tuyên án tử hình đối với Ren Xiaofeng (34 tuổi), đồng phạm Ma Xiangjing (37 tuổi), vì tội cướp tiền của ngân hàng. Các đồng phạm khác là Zhao Xuenan và Zhang Qiang bị tuyên án lần lượt là 5 năm và 2 năm tù giam.

Changhai bị án 3 năm tù vì chứa chấp Ma Xiangjing khi ông ta chạy trốn. 5 cán bộ ngân hàng ABC, gồm Phó Chủ tịch chi nhánh ABC Hồ Bắc và 4 người khác thuộc chi nhánh Hồ Bắc bị đuổi việc.

Trước đó, trong phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào tháng 8/2007 cả Ren Xiaofeng, Ma Xiangjing và Zhao Xuenan đều làm đơn kháng án. Tại tòa, Ren Xiaofeng Ren tỏ vẻ ăn năn trước phiên toà, thậm chí còn đề xuất nhiều biện pháp đề phòng tái diễn những vụ cướp tiền như: đôi lúc đột xuất kiểm đếm tiền trong kho, thường xuyên theo dõi màn hình kiểm soát. Từ vụ án này cũng có thể thấy, lỗ hổng trong việc quản lý của các ngân hàng khi không thường xuyên kiểm kê tài sản.

Từ lâu, Tổ chức Ân xá quốc tế vận động Trung Quốc hủy án tử hình. Tổ chức này từng cho rằng mỗi năm ở Trung Quốc có hàng ngàn người bị án tử hình, trước khi họ thôi ráng công bố một con số chính thức. Bắc Kinh không công bố số vụ án tử hình.

Tổ chức Ân Xá quốc tế nêu ở Trung Quốc từng có 55 tội danh có thể bị tuyên án tử hình, cho đến gần đây thì rút xuống còn 46 tội danh. Nhưng đã quá muộn, Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng bị xử tử hình vào ngày 1/4/2008. 

Một bài viết châm biến trên trang mạng xã hội Boxun của Trung Quốc - trang web chuyên về quyền công dân và các tin tức khác đã nói rằng, sai lầm lớn nhất của Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng là đã không hối lộ đúng người.

Trang mạng Boxun cho rằng, quy mô vụ lấy tiền từ ngân hàng trung ương và “nướng” số tiền đó vào xổ số quốc gia, không thể so sánh quốc gia này, do vậy án tử hình đối Ma Xiangjing và Ren Xiaofeng là khá nặng. Cho tới tận sau này, vụ cướp ngân hàng lớn nhất Trung Quốc được xem như một vở hài kịch, đồng thời được người ta thường xuyên nhắc lại như một lời cảnh tỉnh.

Đọc thêm