Ngày đền tội của tướng cướp khét tiếng “bắn trước, cướp sau“

(PLO) - Những năm 1990, tướng cướp Nguyễn Khắc Trình (SN 1969, ngụ ở Ba Vì, Hà Nội) là nỗi khiếp sợ của nhiều người dân lương thiện khắp các tỉnh miền núi phía Bắc bởi phương châm bắn trước, cướp sau... của y.


Ngày đền tội của tướng cướp khét tiếng “bắn trước, cướp sau“
Bắn trước, cướp sau
Đầu tháng 6/1995, tại khu vực đèo Cón (thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ) người dân đi kiếm củi phát hiện hai người đàn ông nằm gục trong vũng máu. Thấy một nạn nhân còn thở, vội vàng đưa đi bệnh viện và cấp báo đến cơ quan điều tra. Sau khi được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nạn nhân này đã hồi tỉnh.
Theo lời kể của nạn nhân, sáng đó anh đi làm như thường lệ. Đến lưng chừng đèo Cón, anh bỗng nghe hai tiếng nổ chát chúa rồi cảm thấy ngực đau nhói và ngã vật xuống đường. Bị thương nặng nhưng đầu óc anh vẫn khá tỉnh táo. Từ rừng cây ven đèo, một bóng đen lừ lừ tiến đến. Nghĩ rằng nạn nhân đã chết, bóng đen lúc này hiện nguyên hình là một tên cướp. Gã bèn dựng chiếc xe Honda Cub lên để đạp nổ. Lúc này gã mới phát hiện một viên đạn bắn trượt đã phá tan toàn bộ phần đầu xe. Giữa lúc ấy, từ phía xa có ánh đèn pha xe máy.
Tên cướp vứt chiếc xe hỏng, chạy nấp vào rừng cây. Lại hai phát đạn vang lên, thêm một nạn nhân xấu số đổ vật xuống đường. Sau khi ra tay tàn bạo với hai người vô tội, tên cướp lạnh lùng trèo lên chiếc xe của nạn nhân thứ hai rồi phóng vọt đi.  
Từ những thông tin này, xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, việc đầu tiên các điều tra viên cần làm là tìm ra bằng được những vỏ đạn từ 4 phát đạn do tên cướp bắn ra. Khu vực đèo Cón cây cối um tùm, nạn nhân may mắn sống sót dù khá tỉnh táo nhưng cũng không thể xác định chính xác vị trí ẩn nấp của tên cướp. Các điều tra viên đành huy động hàng trăm người dân ở địa phương đến để hỗ trợ lực lượng công an. Sau 3 ngày rà soát từng gốc cây, ngọn cỏ, những chiếc vỏ đạn đã được tìm thấy. Những vật chứng này lập tức được gửi đi để giám định dấu vết súng đạn, phục vụ công tác điều tra. 
Lộ diện tướng cướp
Những vỏ đạn trong vụ cướp ở đèo Cón được bắn ra từ khẩu súng K54. Tìm kiếm trong tàng thư, các điều tra viên phát hiện những vỏ đạn này trùng với vỏ đạn đã được bắn ra trong một vụ án xảy ra năm 1991 do tên Nguyễn Khắc Trình bắn lại lực lượng công an trong lần chạy trốn. 
Tên cướp có thói quen bắn trước cướp sau.
Tên cướp có thói quen bắn trước cướp sau. 
Nguyễn Khắc Trình sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là công nhân viên chức. Sau khi thôi học, Trình tham gia nghĩa vụ quân sự, là một trong những tay “thiện xạ” của đơn vị. Tuy nhiên, do vi phạm nhiều lần, Trình bị kỷ luật loại khỏi quân ngũ. Trước khi bị đuổi, lợi dụng sơ hở của đơn vị, hắn đã kịp lấy trộm một khẩu súng K54. Trở về địa phương, cậy có súng, hắn trở thành một dạng “đầu gấu làng”. 
Có thói ham mê cờ bạc, hễ đâu có chiếu bạc là hắn sà vào, nếu chơi thua thì giở thói côn đồ, trấn cướp tiền của các con bạc, đỉnh điểm là vào năm 1991, tại một sới đỏ đen ở thôn Ngọc Lâu (Ba Vì).au khi thua nhẵn túi, Trình rút súng dọa dẫm rồi cướp tiền trên chiếu. 
Khi Trình ra khỏi sới bạc, đám người bị cướp vội vàng đóng cửa, tri hô. Vừa lúc có 2 cảnh sát đi tuần tra ngang qua, nghe tiếng tri hô nên lập tức đuổi theo Trình. Trong lúc chạy trốn, Trình đã liều lĩnh nổ liền 4 phát đạn, bắn trọng thương một cảnh sát. Trở thành tội phạm bị truy nã, Trình ngày càng manh động và tàn ác. Quen ăn chơi, hưởng thụ mà không phải bỏ sức lao động, Nguyễn Khắc Trình đã chọn con đường trở thành tướng cướp. 
Ngày đền tội
Sau khi xác định được kẻ gây ra vụ giết người cướp của ở đèo Cón, Nguyễn Khắc Trình bị phát lệnh truy nã toàn quốc. Các điều tra viên Bộ Công an nhớ lại hành trình theo dấu tên tội phạm này vô cùng gian nan, vất vả. Ỷ vào tài thiện xạ, hắn thường chỉ hành động một mình. Chính điều này đã khiến hành tung của hắn càng khó đoán biết. Tướng cướp thoắt ẩn, thoắt hiện, ngay trong lúc bị truy đuổi gắt gao vẫn tiếp tục liều lĩnh gây án.
Sau vụ án tại đèo Cón, Trình tìm đường vào miền Nam bởi y cảm thấy không thể tiếp tục lẩn trốn ở miền Bắc. Suốt từ Lâm Đồng vào đến thành phố Hồ Chí Minh, Trình liên tục thay tên đổi họ, thường xuyên vào “vai diễn” người làm thuê hiền lành để che giấu thân phận thật của mình. Ở địa bàn mới, hắn hoàn toàn “im hơi lặng tiếng” khiến nhiều lúc các điều tra viên tưởng như đã vuột mất dấu vết của tên tướng cướp. 
Đến tháng 8/1996, từ một nguồn tin bí mật, hành tung của Nguyễn Khắc Trình mới bị phát giác. Theo đó, hắn đang làm phụ xây dựng ở khu vực quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp nhận thông tin này, không quản ngại khó khăn, các điều tra viên vượt cả ngàn cây số vào miền Nam với quyết tâm bắt bằng được tên tội phạm nguy hiểm. 
Lúc ấy, kẻ tình nghi đang ngồi trong một quán ăn. Do quán ăn đang lúc đông khách, tên tướng cướp lại vô cùng liều lĩnh, không loại trừ khả năng hắn mang súng trong người, một trinh sát thiện chiến nhất đóng vai thực khách vào thám thính trước.
Sau khi gọi một bát phở, trinh sát này đi qua và giả đò khẽ chạm vào người Trình. Tướng cướp quay phắt lại nhưng thấy không có gì khả nghi nên chỉ làu bàu chửi rồi lại cắm cúi ăn tiếp. Biết Trình không mang theo súng, các trinh sát lập tức nhảy vào bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của tướng cướp. Ở phiên tòa diễn ra không lâu sau đó, Nguyễn Khắc Trình phải nhận mức án tử hình./.

Đọc thêm