Pháp luật bảo vệ hành vi phòng vệ chính đáng

(PLO) - Mới đây, Tòa án Cấp cao tại TP HCM đã có một phán quyết về trường hợp phòng vệ chính đáng mà vẫn phải đi tù.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hai thanh niên cùng xóm ở tỉnh Long An chỉ vì xin nhau điếu thuốc không được, một người chạy về nhà mình mang 2 con dao tới. Phóng một con dao về phía bạn nhưng người này tránh được, bỏ chạy vào phòng ngủ. Kẻ kia đuổi theo, vật anh ta xuống đất, anh ghì đầu đối phương xuống và cắn vào môi. Vết cắn ấy được xác định thương tích 15%(?!) và vụ việc phải đưa ra tòa. Cấp sơ thẩm tuyên 9 tháng cải tạo không giam giữ và bồi thường 4,9 triệu đồng.

Cả hai đều kháng cáo, cấp phúc thẩm nhận định đây là hành vi coi thường tính mạng người khác, gây nguy hiểm cho xã hội, tuyên 6 tháng tù giam. Anh ta bị bắt đi thi hành án lúc Tết âm lịch cận kề và đang phải nuôi con nhỏ, xin hoãn cũng không được.

Ra tù, người này kêu oan. Tiếng kêu đó thấu tới Tòa án cấp cao tại TP HCM, Chánh án Tòa này đã ra kháng nghị Giám đốc thẩm và vừa qua Hội đồng Thẩm phán đã ra quyết định tuyên hủy 2 bản án và đình chỉ vụ án với lý do hành vi của người này là phòng vệ chính đáng.

Như vậy, công lý đã được xác lập với người có hành vi phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, câu hỏi day dứt là phóng dao vào người ta, truy sát đến tận phòng ngủ mà không bị quy tội “coi thường tính mạng người khác, gây nguy hiểm cho xã hội” vẫn còn treo đó như một dấu hỏi về sự khách quan, công minh của các quan tòa.

Hiện tại, những hành vi bạo lực xảy ra tràn lan ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Mới cách đây vài ngày, một cô gái Hà Nội bị người yêu đánh thâm tím chân tay bằng dây điện, bắt nhảy xuống hồ rồi chạy chung quanh hồ,... Cô gái 24 tuổi này phải chạy đến Công an phường cầu cứu trước sự hành hạ dai dẳng của người tình 34 tuổi.

Bạo lực gia đình diễn ra với đủ hình thái nhưng nạn nhân chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng vì không có bằng chứng rõ ràng hoặc là còn quá nhỏ để cầu cứu tới pháp luật che chở. Những vụ trộm cắp bị phát hiện thì kẻ trộm chống đối quyết liệt, có trường hợp sát hại cả nhà, tiện thể hãm hiếp luôn bà chủ. Trong bối cảnh đó, hành vi phòng vệ chính đáng lại bị cho là phạm luật như trường hợp cha con bắt được trộm lại vướng vào lao lý vì bị khép tội “giam người trái pháp luật” hoặc “cố ý gây thương tích” như trường hợp vừa nêu ở trên.

Bởi thế, có những kẻ hung hãn gây sự, đánh người lại trở thành “nạn nhân”, “bị hại”, còn người phòng vệ chính đáng cho bản thân, gia đình mình lại trở thành “bị cáo”, “phạm nhân”. Sự trớ trêu phản cảm đó không phải là hiếm gặp trong đời sống pháp luật của nước ta. Quy định pháp luật rất rõ ràng về hành vi phòng vệ chính đáng, nhưng nó có được thực thi hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự công minh, trung thực, thủ pháp của những người tiến hành tố tụng!

Đọc thêm