Pháp mở cuộc điều tra về vụ cháy kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà

(PLVN) - Các nhà điều tra Pháp đã mở cuộc điều tra để xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã tàn phá Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris. Cùng ngày, giới chức nhà thờ cũng đã bắt tay kiểm tra thiệt hại của thảm họa.
Khoảnh khắc Tháp chuông Nhà thờ Đức Bà Paris bị đổ sập trong vụ cháy
Khoảnh khắc Tháp chuông Nhà thờ Đức Bà Paris bị đổ sập trong vụ cháy

Theo AFP, vụ cháy tại Nhà thờ Đức Bà bùng lên khoảng 18h50 (16h50 GMT) ngày 15/4 ở phần đỉnh tháp của nhà thờ, sau đó nhanh chóng lan ra phần mái. “Tôi nhìn thấy khói bốc lên khi đang đứng ở gần đó. Lúc đầu, tôi nghĩ đám cháy xảy ra ở Bệnh viện Dieu-Hotel nhưng sau đó tôi nhận ra đó là nhà thờ. Khi tôi đến, tro bắt đầu rơi”, một hướng dẫn viên của nhà thờ tên Olivier De Chalus kể lại.

Hàng ngàn người dân Paris và khách du lịch từ các đường phố gần đó đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi ngọn lửa nhấn chìm tòa nhà. Đến 19h50 (17h50 GMT), tháp chuông của nhà thờ - một trong những công trình mang tính biểu tượng của Paris với chiều cao 93m – đã đổ sập. Chỉ trong ít giờ, phần lớn mái tòa nhà đã biến thành tro bụi.

Khoảng 400 nhân viên cứu hỏa, hàng chục xe cứu hỏa và ít nhất 18 vòi phun nước áp suất cao đã được điều động làm việc xuyên đêm để kiểm soát ngọn lửa. Đến tối muộn ngày 15/4, chỉ huy đội cứu hỏa Paris Jean-Claude Gallet tuyên bố đã cứu và bảo tồn được cấu trúc chính của Nhà thờ Đức Bà. Song, phải mất đến khoảng 15 tiếng đồng hồ, đến 10h00 sáng 16/4, ngọn lửa mới được khống chế.

Hỏa hoạn đã phá hủy 2/3 mái nhà của di sản thế giới 850 năm tuổi đã được UNESCO xếp hạng. Bộ trưởng văn hóa Pháp Franck Riester cảnh báo rằng cấu trúc của công trình vẫn không ổn định và chưa thể kiểm tra đầy đủ mức độ thiệt hại của vụ việc. “Chúng tôi sẽ phải chờ một thời gian để kiểm kê đầy đủ”, vị Bộ trưởng cho biết.

May mắn là theo Giám đốc Nhà thờ Patrick Chauvet, chiếc Mão gai trên đầu Chúa và một chiếc áo khoác dài thiêng mà Vua Louis của Pháp ở thế kỷ 13 đã mặc - 2 cổ vật không thể thay thế đang được lưu giữ tại nhà thờ - đã được giải cứu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cùng với Đệ nhất phu nhân đến thăm hiện trường và tuyên bố sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà “vì đó là những gì người Pháp mong đợi”. Tỉ phú Pháp Francois-Henri Pinault đã tuyên bố sẽ ủng hộ 113 triệu USD để xây dựng lại công trình. Ngay sau đó, tỉ phú Bernard Arnault cũng tuyên bố ông và nhãn hàng LVMH mà ông kiểm soát sẽ tặng 226 triệu USD cho việc tái thiết nhà thờ.

Quỹ Di sản Pháp do tư nhân điều hành cũng đã kêu gọi quyên góp để giúp khôi phục công trình được xem là “biểu tượng của lịch sử và văn hóa Pháp”. Theo tân Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp Eric de Moulins-Beaufort, việc khôi phục công trình này sẽ phải mất nhiều năm mới có thể hoàn thành.

Văn phòng công tố Paris ngày 16/4 cho biết đã mở cuộc điều tra về vụ việc. Theo một nguồn tin thân cận với quá trình điều tra, các điều tra viên đang tập trung vào giả thiết đây là một vụ vô tình gây ra hỏa hoạn chứ không phải hành động cố ý. Họ đang tìm hiểu liệu đám cháy có lan từ khu vực đang được tiến hành tu sửa trên nóc nhà thờ hay không.

Vụ việc xảy ra khi Tháp chuông Nhà thờ đang được tiến hành tu sửa vì những hư hại do thời tiết và ô nhiễm. Đám cháy được cho là bùng lên từ phần mái nhà bên dưới một giàn giáo. Tối 15/4, các điều tra viên đã bắt đầu lấy lời khai từ các công nhân trùng tu nhà thờ. Người phát ngôn cơ quan cứu hỏa Pháp Gabriel Plus ngày 16/4 cũng cho biết đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.

Nhà thờ Đức Bà được xem là biểu tượng mang tính lịch sử ở “trái tim” nước Pháp, chứng kiến toàn bộ những thăng trầm trong lịch sử nước này kể từ khi được xây dựng vào giữa thế kỷ 12. Nhà thờ này cũng đã trở thành nguồn cảm ứng của rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris” của đại văn hào Victor Hugo.

Bà Stephane Seigneurie - một chuyên gia tư vấn – cho biết cảm thấy vô cùng buồn bã và trống rỗng trước vụ việc. “Nhà thờ Đức Bà đã sống sót sau tất cả các cuộc chiến tranh, tất cả các cuộc tấn công. Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng nó có thể bị thiêu trụi”, bà nói. 

Các nhà sử học cũng đã bày tỏ sự thất vọng trước sự sụp đổ của một tòa nhà từng là biểu tượng của nước Pháp trong gần một thiên niên kỷ. “Nếu Paris là Tháp Eiffel thì Pháp là Nhà thờ Đức Bà. Toàn bộ văn hóa, toàn bộ lịch sử nước Pháp hiện thân trong di tích này”, ông Bernard Lecomte - một nhà văn và chuyên gia về lịch sử tôn giáo – nhận định. Nhiều người dân đã bật khóc khi chứng kiến đám cháy trong sự bất lực.