Trong bài phát biểu trước quốc dân, ông Macron cho biết "lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, chúng tôi sẽ khởi động lại việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở đất nước chúng tôi và tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo" để đối phó với giá nhiên liệu và khí đốt ngày càng tăng.
Ông giải thích rằng điều này là để "đảm bảo sự độc lập về năng lượng của Pháp, đảm bảo nguồn cung cấp điện của đất nước chúng tôi và để đạt được các mục tiêu của chúng tôi, đặc biệt là tính trung hòa carbon vào năm 2050."
Tổng thống Macron nói rằng để trả một mức giá "hợp lý" cho năng lượng và không phụ thuộc vào nước ngoài, công chúng nên tiếp tục tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào năng lượng không có carbon trên đất Pháp.
Trước tình hình giá nhiên liệu tăng vọt, tháng trước, Chính phủ Pháp đã công bố khoản trợ cấp lạm phát đặc biệt trị giá 100 euro (khoảng 116 đô la Mỹ) cho những người có thu nhập ròng hàng tháng dưới 2.000 euro. Ngoài ra, giá khí đốt sẽ bị đóng băng trong suốt năm 2022 để đối phó với giá năng lượng tăng đột biến kỷ lục.
Hãng tin Italy 24 cho biết, thông báo của Macron về việc quay trở lại năng lượng hạt nhân được đưa ra vào một thời điểm rất đặc biệt, sau những tuần gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra giả thuyết về việc chống lại sự gia tăng giá năng lượng tái tạo và thay thế. Việc tăng giá, hơn nữa, đã dẫn đến sự quan tâm trở lại đối với than, một loại nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong buổi trình bày kế hoạch đầu tư "Nước Pháp 2030" tại Điện Élysée ở Paris, ngày 12/10/2021. Ảnh: AFP |
Trung tuần tháng 10, Đài France 24 đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo chuyển sang các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ, được các nhà phân tích ca ngợi là có nhiều triển vọng, khi ông công bố chiến lược 5 năm trị giá 30 tỷ euro của mình để thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ cao của Pháp, "xây dựng lịch sử của đất nước với tư cách là quốc gia tiên phong về năng lượng hạt nhân".
Ông Macron tuyên bố rằng “ưu tiên số một” cho chiến lược công nghiệp của ông là Pháp sẽ phát triển “các lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ sáng tạo” vào năm 2030.
Chiến lược này cho phép Pháp cung cấp hơn 70% năng lượng từ năng lượng hạt nhân - tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Cho đến nay, khu vực hạt nhân khổng lồ này đã được xây dựng xung quanh các lò phản ứng ngày càng lớn.
“Mỗi lò phản ứng mô-đun nhỏ tạo ra ít hơn 300 megawatt (MW) năng lượng; ít hơn nhiều so với hầu hết các lò phản ứng hiện đang hoạt động, có xu hướng sản xuất từ 950 đến 1300 MW, với một số trong số đó bao gồm nhà máy Flamanville có công suất lên tới 1600 MW", ông Giorgio Locatelli, một chuyên gia về kỹ thuật các nhà máy điện hạt nhân tại Đại học Bách khoa Milan thông tin.
Các thành phần của những lò phản ứng nhỏ hơn này thường được xây dựng trong một dây chuyền lắp ráp của nhà máy và sau đó được vận chuyển để lắp ráp tại chỗ, nơi chúng có thể dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của nhà máy.