Theo Bộ Nội vụ Pháp, ước tính 66.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp diễn ra vào ngày 15/12, giảm tới một nửa so so với tuần trước. Tại thủ đô Paris, khoảng 2.200 người tham gia làn sóng biểu tình "Áo vàng" và hơn 8.000 cảnh sát cùng 14 xe bọc thép đã được huy động phòng ngừa nguy cơ bùng phát bạo lực. Lực lượng an ninh chống bạo động đã được triển khai quanh các nhà ga trung tâm và dọc đại lộ Champs-Elysees.
Hơn 20 xe thùng cảnh sát và một xe vòi rồng cũng được bố trí gần đó. Nhiều cửa hàng đóng cửa, nhưng một số cửa hàng lớn như Galeries Lafayette vẫn mở cửa để phục vụ khách hàng mua sắm dịp Giáng sinh. Tính đến cuối ngày 15/12, đã có 168 đối tượng bị bắt, giảm mạnh so với 1.000 người trong tuần trước.
"Độ nóng" của cuộc biểu đã giảm đáng kể khi cảnh sát đã không phải dùng nhiều đến đạn hơi cay để giải tán những kẻ quá khích. Một số đụng độ nhỏ giữa cảnh sát và người biểu tình cũng ghi nhận tại các khu vực như Bordeaux, Toulouse, Nantes, Besancon, Nancy, Saint-Etienne và Lyon. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết khoảng 69.000 nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ trong ngày 15/12 và cảnh sát tăng cường sự hiện diện tại các thành phố trên. Ông cho biết thêm đã có 8 người thiệt mạng liên quan đến các vụ biểu tình trong 5 tuần qua, đồng thời kêu gọi những người biểu tình ngừng phong tỏa các tuyến đường trên cả nước.
Cùng ngày, hàng nghìn người dân Italy đã xuống đường ở thủ đô Rome để biểu tình phản đối luật nhập cư và an ninh mới vốn đã được quốc hội nước này thông qua hôm 28/11. Những người biểu tình cũng mang áo vàng và dương cao các biểu ngữ với khẩu hiệu: “Hãy đứng lên vì quyền lợi của các bạn.”
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, những người biểu tình cho rằng luật mới "chống người di cư" này sẽ chỉ làm gia tăng thêm số lượng người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp ở Italy, qua đó khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Sắc lệnh trên sẽ nới lỏng các quy định về trục xuất người nhập cư, cho phép tước quyền công dân Italy của người nhập cư nếu bị buộc tội khủng bố. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo, thay thế bằng các giấy phép cư trú theo diện "bảo vệ đặc biệt" hay "thảm họa tự nhiên ở quê hương". Hiện Italy chỉ cấp quy chế tị nạn cho 25% số người đăng ký, thấp hơn quy định theo luật pháp quốc tế.
Trước đó, Thượng viện và Hạ viện Italy đã thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn, do Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đệ trình, bất chấp sự phản đối của phe cánh tả. Trong năm 2018, đã có hơn 22.000 người di cư đến Italy, giảm hơn 80% so với năm ngoái.
Trong khi đó, cảnh sát Áo cho biết khoảng 17.000 người đã xuống đường tại thủ đô Vienna của Áo trong ngày 16/12 để tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ. Con số này vượt quá con số ước tính 10.000 người của các nhóm tổ chức biểu tình.
Những người tham gia biểu tình chủ yếu phản đối chính sách di cư của nhà chức trách Áo, cũng như đề nghị giảm ngày làm việc và bãi bỏ những biện pháp khắc khổ. Cuộc biểu tình đã khiến nhiều tuyến phố tại trung tâm Vienna tắc nghẽn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hệ thông giao thông công cộng. Tuy nhiên, không có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra.
Cuộc biểu tình diễn ra đúng dịp kỷ niệm một năm ngày chính phủ liên minh hiện nay của Áo lên nắm quyền vào năm 2017.