Chia sẻ tại Lễ phát động, TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, Chương trình “24 giờ bên con” với thông điệp Vì thế hệ trẻ Việt Nam, khỏe thể chất, mạnh tinh thần, đây là chương trình rất ý nghĩa và giàu tính nhân văn, bằng việc triển khai chuỗi hoạt động tại cộng đồng có sự tham gia của các bậc cha mẹ và các con, cùng vui chơi, cùng trải nghiệm, qua đó góp phần nâng cao vai trò của cha mẹ với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời. Nâng cao sự hiểu biết của cha mẹ và tăng cường thực hiện 24 giờ đồng hành bên con giúp cho con phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; Truyền tải thông điệp về việc bố mẹ dành thời gian cho con cái trong nuôi dạy trẻ nhỏ.
Chương trình 24 giờ đồng hành bên con, mong muốn và kỳ vọng các gia đình, cha mẹ, người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ hãy dành nhiều thời gian nhất bên con để nuôi dưỡng, tương tác, chăm sóc, chơi với trẻ từ khi trẻ nhỏ…
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh: Ngọc Nga |
Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm chung của mỗi gia đình, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Đảng đã chỉ đạo trong phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030: “Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội”.
Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của cha mẹ với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các can thiệp chuyên môn như: chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh ngay sau đẻ, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo, với hành động đơn giản, tác động tối ưu đó là: cái ôm đầu đời, da kề da, bú sữa mẹ ngay từ giờ đầu sau sinh, giúp cho đứa trẻ khỏe mạnh, không bị hạ thân nhiệt, tăng cường dinh dưỡng và miễn dịch từ sữa mẹ để trẻ phát triển thể chất và tinh thần, phòng chống bệnh tật. Chính cái ôm đầu đời, da kề da là sự thực hiện tình mẫu tử thiêng liêng mẹ và con, gắn kết và yêu thương con trẻ, thể hiện sự đồng hành của cha mẹ từ những giây phút đầu đời.
Tại Lễ phát động, TS tâm lý Phạm Văn Tư - Phó Trưởng khoa công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội đã dẫn chứng một trường hợp từng tiếp nhận trị liệu tâm lý cho trẻ hơn 3 tuổi chậm nói. Người mẹ rất giỏi, làm việc cho một công ty tư nhân với thu nhập rất cao. Ngay khi trẻ mới được 2 tháng tuổi, người mẹ đã quay lại công việc, đi công tác rất nhiều. Trẻ sống cùng với ông, bà, tuy nhiên ông bà lại thường xuyên cho trẻ xem điện thoại, tivi. Vì thiếu giao tiếp, đến năm 3 tuổi trẻ chỉ bập bẹ nói vài từ. Lúc này người mẹ mới lo lắng và đưa con đến tư vấn tâm lý.
Theo TS Tư, đây là tình trạng phổ biến của nhiều gia đình hiện đại, khi cha mẹ dành quá nhiều thời gian cho công việc mà quên mất thời gian dành cho con. Nếu cha mẹ dành ít thời gian cho con, sẽ khiến con lo âu, gắn bó né tránh; trẻ thụ động trong việc giao tiếp; dễ có cảm xúc tiêu cực và ngại bày tỏ cảm xúc yêu thương với người khác.
ThS. BS Phạm Thị Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam. Ảnh: Ngọc Nga |
Cũng tại buổi lễ, ThS. BS Phạm Thị Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng chia sẻ, trẻ em và học sinh hiện nay chiếm khoảng 1/4 dân số Việt Nam. Đây là đối tượng đang trong giai đoạn phát triển nhanh về thể chất, tinh thần và hình thành các hành vi lối sống. Tình trạng sức khỏe, và trí tuệ ở lứa tuổi này sẽ quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, Chương trình “24 giờ đồng hành bên con” với thông điệp “Hãy luôn sẵn sàng đồng hành cùng con trong hành trình lớn khôn” là một chương trình hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với các bậc làm cha mẹ nói chung mà còn rất quan trọng và cần thiết đối với cán bộ, nhân viên y tế.