Phát động cuộc thi 'Hiểu đúng về tiền' cho sinh viên miền Bắc

(PLVN) - Hôm nay, 1/10, Vụ Truyền thông, Ngân hàng nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phát động cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng miền Bắc.
Nhiều sinh viên quan tâm đến cuộc thi.

Với thông điệp trang bị cho sinh viên “kiến thức kỹ năng tài chính thông minh - smart money”, cuộc thi đặc biệt nhấn mạnh các kiến thức về tài chính, ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm cho vay, hạn chế tín dụng đen, đầu tư, chi tiêu, tiết kiệm, hiểu biết về đồng tiền Việt Nam, … 

Từ đó, sinh viên được trang bị kiến thức tài chính giúp thay đổi nhận thức, hình thành những thói quen tốt về tài chính như thanh toán không dùng tiền mặt, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để đầu tư, tránh tín dụng đen; đồng thời giúp sinh viên có những hiểu biết đúng đắn về giá trị đồng tiền, quý trọng giá trị sức lao động, tự tin đưa ra các quyết định tài chính hợp lý.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 10/10 đến 24/10: Vòng sơ loại (ngày 10/10), Mentor Day (ngày 14/10); Vòng Bán kết (ngày 17/10) và Vòng chung kết diễn ra vào ngày 24/10.

Giải thưởng cuộc thi gồm: 1 Giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 Giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 Giải ba 5 triệu đồng/ giải và một số giải phụ dành cho Đội được bình chọn nhiều nhất bởi khán giả, Đội cổ vũ được yêu thích nhất, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt, các đội dự thi được tham gia chương trình đào tạo kiến thức về tài chính ngân hàng, quản lý tài chính cá nhân với các chuyên gia và nhận chứng chỉ của Ban tổ chức.

Ban giám khảo cuộc thi bao gồm: Các đơn vị chuyên môn của NHNN, Chuyên gia kinh tế, ngân hàng, Giảng viên về tài chính ngân hàng.

 PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế- Đại học Quốc gia

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế- Đại học Quốc gia, giáo dục tài chính hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của quốc gia. Cuộc thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi triển khai cho đối tượng là sinh viên. 

Cụ thể, khi được tăng cường hiểu biết tài chính, sinh viên sẽ là lớp người tiêu dùng tài chính có khả năng so sánh và đánh giá chất lượng các loại hình sản phẩm tài chính khác nhau để lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với tình hình tài chính bản thân.

Điều này đòi hỏi các tổ chức tài chính phải không ngừng cải tiến và sáng tạo các sản phẩm dịch vụ tài chính để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng tài chính, khiến thị trường tài chính không ngừng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển và hoàn thiện hơn.

Hơn nữa, nhờ giáo dục tài chính, các cá nhân/hộ gia đình tương lai sẽ có xu hướng tiết kiệm và quản lý ngân sách tốt hơn, giúp gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế.

Bà Lê Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN

Bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ Trưởng Vụ Truyền thông, NHNN cho biết, truyền thông giáo dục tài chính thông qua cuộc thi sẽ giúp sinh viên thay đổi nhận thức, hành vi và hình thành thói quen tài chính tốt trong cộng đồng. 

“Cuộc thi là một hình thức sáng tạo để thực hiện truyền thông giáo dục tài chính  nhằm thực hiện các Đề án của Chính của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Qua cuộc thi các bạn trẻ sẽ lan tỏa kiến thức trong cộng đồng nhằm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và giảm thiểu chi phí xã hội…”, bà Sen nhấn mạnh.

Thông qua giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính không chỉ góp phần trực tiếp gia tăng số lượng người trưởng thành tiếp cận và sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia như thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, tăng tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tài chính, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện cho mỗi quốc gia góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Đọc thêm