Trong lực lượng Công an, đặc biệt là các đơn vị tập trung ăn, ở đông người như khối Học viện, Trường, các Trung đoàn Cảnh sát, các Trại giam, Trại tạm giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng... thì nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm và bùng phát các bệnh truyền nhiễm gây dịch rất lớn.
Để tăng cường, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè và mùa bão lụt nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho cán bộ, chiến sỹ, công nhân Công an và can phạm, phạm nhân, trại viên, học sinh Trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc bệnh và tử vong, Cục Y tế (Bộ Công an) mới có Công văn đề nghị Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè.
Theo đó, các đơn vị cần tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông tại đơn vị về nguyên nhân, tác hại của các bệnh thường hay gây ra dịch vào mùa hè đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị.
Phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ môi trường làm việc, môi trường sống. Thực hiện tốt công tác vệ sinh tại đơn vị: Hàng tuần tổng vệ sinh toàn đơn vị, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh khu vực đơn vị đóng quân, phun hóa chất diệt ruồi, muỗi và côn trùng gây bệnh; thu gom và xử lý chất thải đảm bảo hợp vệ sinh tránh ô nhiễm môi trường; giữ gìn vệ sinh cá nhân; trật tự nội vụ gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ.
Thực hiện nghiêm Kế hoạch của Bộ Công an về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lực lượng Công an nhân dân. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra đảm bảo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin, đề phòng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; các bếp ăn tập thể phải đảm bảo kiểm soát nguyên liệu đầu vào và sơ chế nguyên liệu thô, kiểm soát khâu chế biến nấu nướng, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, kiểm soát nhà ăn và phòng, chống ô nhiễm thứ cấp.
Triển khai các biện pháp phòng, tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như: Say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức... Người dễ bị ảnh hưởng là cán bộ, chiến sĩ, công nhân Công an làm việc thường xuyên dưới ánh nắng mặt trời; người cao tuổi; phụ nữ có thai; người bệnh đang điều trị các bệnh: Tim mạch, bệnh phổi mạn tính, hen phế quản, tiêu chảy mất nước, các bệnh do rối loạn chuyển hóa...
Lập kế hoạch mua sắm vật tư, cơ số thuốc, phương tiện, chuẩn bị lực lượng cán bộ y tế cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Tăng cường các hoạt động giám sát để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các ổ dịch, khống chế kịp thời không để dịch lan rộng.
Cục Y tế đồng thời đề nghị Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh mùa bão lụt.
Cụ thể, các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, đặc biệt chú ý công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mùa mưa bão. Tổ chức kiểm tra giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch tại các vùng trọng điểm. Căn cứ vào tình hình sức khỏe, bệnh tật tại địa phương các vùng có thể xảy ra thiên tai, thảm họa để chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị.
Các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế đối phó với thiên tai và thảm họa có thể xảy ra. Bảo đảm y tế đơn vị hoạt động an toàn tuyệt đối, không để người bệnh, nhân viên y tế bị thiệt mạng do lũ, bão; không để hư hỏng, thất thoát thuốc, hóa chất, máy móc thiết bị y tế do mưa lũ. Phối hợp chặt chẽ với quân dân y trên địa bàn đóng quân trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Các bệnh viện, bệnh xá tổ chức các đội cấp cứu lưu động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ trong mùa mưa bão.
Các đơn vị nằm trong vùng bão lũ phải lập kế hoạch cụ thể việc di chuyển, bảo đảm an toàn cơ sở y tế trong vùng bị ngập lụt, triển khai kịp thời công tác vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh; các đơn vị thuộc các tỉnh ven biển có kế hoạch đối phó với bão, lũ lớn; các đơn vị thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung có kế hoạch chủ động đối phó với lũ quét; các đơn vị thuộc các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị đối phó với lũ sông Cửu Long lên cao, đảm bảo an toàn cho cơ sở y tế, cấp cứu kịp thời nạn nhân và làm tốt công tác vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau lũ lụt.
Các cơ sở y tế phải chuẩn bị trước các cơ số thuốc phòng, chống bão lụt, cơ số thuốc, hóa chất chống dịch; dự trữ lương thực, thực phẩm cùng các phương tiện đảm bảo cứu trợ khác.
Các bệnh viện sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới ngay khi có lệnh điều động với đầy đủ phương tiện vận chuyển, cán bộ chuyên môn, hóa chất chống dịch, thuốc chữa bệnh.
Thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thời gian qua, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia như dịch sởi tại Philippines, dịch MERS-CoV tại Ả Rập Xê Út và Oman...
Tại Việt Nam, một số dịch bệnh dự báo có diễn biến phức tạp trong năm 2019 như: Bệnh sốt phát ban nghi sởi, bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết và tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra tại một số địa phương. Đồng thời theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2019 cả nước có khả năng xuất hiện 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệp đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019. Vào mùa hè, mùa bão lụt thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển như: Bệnh đường ruột (tả, lỵ thương hàn...), bệnh đau mắt, bệnh da liễu, viêm màng não, viêm não, đặc biệt là sốt xuất huyết, ngộ độc thực phẩm...