Nhiều quy định mới, thực chất để kiểm soát tài sản, thu nhập
Đại diện cơ quan được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi đã trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật sửa đổi lần này. Theo đó, Dự thảo Luật được bố cục gồm 11 chương với 128 điều. Dự thảo đã bổ sung đối tượng là “người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước”. Như vậy, phạm vi điều chỉnh được mở rộng đối với các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài khu vực nhà nước.
Về các giải pháp phòng ngừa, Dự thảo đã quy định một chế định mới về chế độ liêm chính - được coi là trụ cột của phòng, ngừa tham nhũng - trên cơ sở tập hợp, hệ thống hóa một số nhóm quy định tại Luật hiện hành, từ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, những việc cán bộ, công chưa không được làm đến quy chế tặng, nhận quà; quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung quy định mới về giáo dục liêm chính, coi đây là nền tảng để giáo dục thế hệ trẻ hình thành nhân cách tốt để ngăn ngừa tham nhũng.
Đặc biệt, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tuấn Anh, Dự thảo đã tách nhóm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thành một chương riêng, thay vì là một mục tại Chương II về Phòng ngừa tham nhũng tại Luật hiện hành, với tên gọi “Minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập”.
Chương này có nhiều quy định mới, thực chất nhằm mục đích kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số đối tượng có chức vụ, quyền hạn khác. Đồng thời, quy định rõ việc kê khai, quản lý bản kê khai, theo dõi biến động, xác minh, xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý…, hướng tới khắc phục các hạn chế hiện nay làm cho việc kê khai còn hình thức, không giúp kiểm soát được tài sản biến động.
Cần bổ sung cơ chế kiểm soát người đứng đầu
Tại cuộc họp, cũng như một số ý kiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường cơ bản đồng tình, đánh giá cao nhiều quy định mới tại Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi). Tuy nhiên, ông Đường dẫn chứng, sự vụ ồn ào quanh việc bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh rõ ràng là đúng quy trình, theo cơ chế tập thể lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Đường tìm hiểu được biết việc luân chuyển đều do người đứng đầu quyết định, có sự lợi dụng cơ chế lãnh đạo tập thể để hợp thức hóa ý chí cá nhân. Từ đó, ông Đường đề xuất cần mạnh dạn có cơ chế cụ thể kiểm soát người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ lại quan niệm, việc xây dựng Dự thảo Luật phải quán triệt được nguyên tắc 3 không “không cần tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng”. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định sẽ khó khả thi khi nền kinh tế của chúng ta chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt. Hay quy định về giáo dục liêm chính, theo ông Độ, không cần đặt nặng việc phải có môn học riêng về liêm chính trong các trường tiểu học, phổ thông. Đáng chú ý, ông Độ đề nghị, qua thanh tra, kiểm tra mà phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì phải chuyển ngay cơ quan điều tra, chứ không kiểm tra đi, kiểm tra lại, tạo cơ hội cho người vi phạm tẩu tán tài sản.
Các đại biểu còn đặt ra nhiều câu hỏi và nhận được trả lời trực tiếp của Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh. Đối với đề nghị phân biệt rõ đâu là quy định phòng, đâu là quy định chống thì theo ông Thanh, Dự thảo Luật chủ yếu nghiêng về các giải pháp phòng ngừa.
Trước băn khoăn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước còn hẹp, ông Thanh lý giải, Dự thảo Luật đã quy định bao gồm toàn bộ khu vực tư nhưng cần mở rộng từng bước nên phân thành 2 nhóm. Đó là nhóm chủ thể tự tổ chức việc thực hiện các biện pháp PCTN và nhóm chủ thể tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong hoạt động của tổ chức mình…