Phát hiện mới về virus gây dịch Covid-19: di chuyển tới 4,5m, có thể tồn tại vài ngày

Các nhà dịch tễ học Trung Quốc phát hiện, virus corona gây dịch Covid-19 có thể nán lại trong không khí ít nhất 30 phút và di chuyển xa tới 4,5m, gấp đôi khuyến nghị lâu nay về "khoảng cách an toàn".

Nghiên cứu mới của các chuyên gia dịch tễ thuộc chính phủ Trung Quốc cũng phát hiện, virus corona chủng mới có thể tồn tại nhiều ngày trên một bề mặt, nơi các giọt tiết chứa virus bắn ra từ vật chủ nhiễm bệnh rơi xuống, làm tăng nguy cơ lây truyền mầm bệnh nguy hiểm nếu những người thiếu cảnh giác chạm vào đó, rồi sờ lên mặt của họ.

Cảnh báo mới của các nhà khoa học TQ về Covid-19
Hình mô phỏng virus corona chủng mới. Ảnh: SCMP

Thời gian virus tồn tại trên các bề mặt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ và chất liệu bề mặt. Ví dụ, ở nhiệt độ khoảng 37 độ C, virus corona có thể sống sót từ 2 - 3 ngày trên kính, các sợi vải, kim loại, nhựa hoặc giấy.

Theo báo South China Morning Post, kết luận được rút ra sau khi nhóm nghiên cứu điều tra một cụm nhiễm Covid-19 khởi phát tại tỉnh Hồ Nam vào ngày 22/1 vào lúc đỉnh điểm của mùa "xuân vận" (giai đoạn người Trung Quốc di cư từ khắp nơi về quê ăn Tết âm lịch).

Một hành khách, gọi tắt là A, lên một xe khách đường dài đã chật kín chỗ và ngồi ở hàng thứ hai từ dưới lên. Hành khách thực tế đã mắc Covid-19 và cảm thấy ốm, nhưng lúc đó là trước khi Trung Quốc chính thức công bố dịch Covid-19 bùng phát, nên A không đeo khẩu trang. Các hành khách khác và tài xế điều khiển chiếc xe khách 48 chỗ đó cũng không có bất kỳ biện pháp đề phòng lây nhiễm bệnh nào.

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu lắp camera giám sát trên mọi xe khách đường dài, giúp cung cấp các hình ảnh giá trị cho nhóm nghiên cứu tái dựng lại quá trình lây lan virus trên chiếc xe nói trên.

Các đoạn ghi hình trích xuất từ camera hành trình cho thấy, A không tương tác với những người khác trong suốt hành trình kéo dài 4 giờ. Song, vào thời điểm xe khách dừng ở thành phố tiếp theo, virus từ người này đã lây sang 7 hành khách khác, với hai nạn nhân xa nhất ở cách anh ta tới gần 4m5.

Sau khi những hành khách này xuống bến, một nhóm khách khác lên xe khoảng 30 phút sau đó. Một hành khách mới, ngồi hàng trên phía kia lối đi với A cũng bị nhiễm virus.

Cảnh báo mới của các nhà khoa học TQ về Covid-19
Nguồn: SCMP, Việt hóa: Tuấn Anh

Sau khi xuống xe khách, A lên một chiếc xe buýt nhỏ và di chuyển thêm một giờ nữa để về nhà. Trong đoạn đường di chuyển này, anh ta đã lây truyền mầm bệnh cho hai hành khách khác với một trong số đó cũng ngồi cách xa 4m5. Vào thời điểm nghiên cứu được hoàn thành vào giữa tháng Hai, bệnh nhân A đã làm lây nhiễm virus cho ít nhất 13 người.

Viết trên tạp chí Y học dự phòng, nhóm tác giả nghiên cứu lưu ý, trong môi trường đóng kín cửa và bật điều hòa như xe khách này, khoảng cách lan truyền virus của Covid-19 sẽ xa hơn các khuyến nghị lâu nay về khoảng cách an toàn giữa mọi người với một đối tượng nghi nhiễm bệnh.

Lâu nay, các nhà khoa học nhìn chung vẫn tin rằng việc lan truyền trong không khí của Covid-19 rất hạn chế vì các giọt tiết tí hon văng ra từ bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi xuống đất. Điều này khiến nhà chức trách y tế Trung Quốc khuyên mọi người nên đứng cách xa nhau khoảng 1 mét nơi công cộng để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus, trong khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị khoảng cách an toàn là 1,8 mét.

"Khi di chyển trong các phương tiện giao thông công cộng đóng kín chẳng hạn như xe khách, xe buýt, tàu điện ngầm, máy bay... bạn nên đeo khẩu trang liên tục, đồng thời hạn chế tiếp chạm tay vào các bề mặt chung cũng như tránh chạm tay của chính bạn lên mặt trước khi rửa sạch", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. Họ cũng kiến nghị chủ phương tiện giao thông công cộng nên cải thiện điều kiện vệ sinh bên trong, điều chỉnh hệ thống điều hòa sao cho tối ưu lượng không khí sạch cung cấp và lau rửa, khử khuẩn cho các bề mặt bên trong phương tiện 1 - 2 lần mỗi ngày, đặc biệt sau khi hành khách đã đến bến.

Một bác sĩ đến từ Bắc Kinh tham gia chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 cho biết, nghiên cứu vẫn còn vài câu hỏi chưa giải đáp được. Ví dụ, một số hành khách ngồi ngay cạnh những người mang mầm bệnh tại sao không bị lây nhiễm, mặc dù họ có nguy cơ tiếp xúc cao nhất với các giọt tiết chứa virus.

Đọc thêm