Phát hiện nhiều tài năng hát nhạc thính phòng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Phải nói rằng, tính chuyên nghiệp của Cuộc thi “Hát thính phòng - nhạc kịch - hợp xướng toàn quốc 2023” đã được yêu cầu cao hơn so với những cuộc thi trước, chất lượng hát cổ điển cũng được nâng cao hơn và đặc biệt, đã có những gương mặt, giọng ca tài năng mới”, Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Ngô Văn Thành khẳng định.
Từ trái qua phải: NSND Quốc Hưng, Quán quân Trần Quốc Đạt, NSND Quang Thọ, Quán quân Nguyễn Hà My, Quán quân Trần Quang Cảnh và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. (Ảnh: Thùy Dương)
Từ trái qua phải: NSND Quốc Hưng, Quán quân Trần Quốc Đạt, NSND Quang Thọ, Quán quân Nguyễn Hà My, Quán quân Trần Quang Cảnh và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. (Ảnh: Thùy Dương)

Vượt qua chính mình

Cuộc thi “Hát thính phòng - nhạc kịch - hợp xướng toàn quốc 2023” do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH,TTDL phối hợp Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Sở VH-TT Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội tổ chức vừa khép lại với những giải thưởng được trao cho các thí sinh xuất sắc.

Tại Cuộc thi lần này, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ra quy chế chặt chẽ về độ tuổi thí sinh tham gia, quy định bài hát trong các vòng thi. Đánh giá chuyên môn về Cuộc thi, GS.TS, NSND Ngô Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo bày tỏ, thành công của Cuộc thi là phát hiện được nhiều tài năng đầy triển vọng trong lĩnh vực âm nhạc thính phòng Việt Nam. Nhiều thí sinh có thể vươn tầm quốc tế. Ở Cuộc thi “Hát thính phòng - nhạc kịch - hợp xướng toàn quốc”, dù đòi hỏi và yêu cầu cao hơn những cuộc thi trước, nhưng 60 thí sinh đã thể hiện tốt, tiến bộ nhanh theo hướng chuẩn quốc tế.

Thí sinh Trần Quốc Đạt 29 tuổi (Khánh Hòa), đang theo học ngành Thanh nhạc hệ Đại học tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đạt giải Nhất bảng B (dành cho lứa tuổi từ 24 - 32) tại Cuộc thi. Về việc chọn bài dự thi, Trần Quốc Đạt chia sẻ đã phải chuẩn bị 7 tác phẩm, mỗi bài đều có những yêu cầu kỹ thuật cao và có những cái khó riêng.

Tuy nhiên, bài khó nhất và tập luyện công phu nhất đối với Đạt là “Trường ca Sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là tác phẩm lớn, nhiều lời và nhiều tính chất âm nhạc trong cùng một tác phẩm, tốc độ thay đổi liên tục. Còn bài Aria “Di Provenza il mar, I suol” trích trong vở La Traviata của Giuseppe Verdi, vai Đạt hát là một ông bố quyền lực có một người con trai lưu lạc bên ngoài, vai này nặng về tâm lý và cần một giọng hát có sức nặng.

Thí sinh Trần Quang Cảnh, 23 tuổi ở Hòa Bình, đang theo học chuyên ngành Thanh nhạc hệ Đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đạt giải Nhất bảng A (từ 18 - 23 tuổi) cũng chia sẻ vượt qua thử thách chính mình. Phần khó nhất trong bài thi của Cảnh là những tác phẩm được viết bằng tiếng Đức. Trong đó “Litanei” của Schubert dù là tác phẩm ngắn nhưng phải cần nội lực, cột hơi phải ổn định và phải rất khỏe thì mới thể hiện tốt độ legato của tác phẩm.

Còn Nguyễn Hà My, 30 tuổi (Hà Nội), tốt nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc hệ Đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đạt giải Nhất bảng B chia sẻ: “Tôi chọn “Màn điên của Eletra” trích từ vở opera Idomeneo của Mozart - có lẽ là một trong những aria hiếm hoi của Mozart phù hợp với giọng kịch tính và như mọi tác phẩm khác của Mozart, dù đơn giản hay phức tạp thì đều cực kỳ khó và dễ lộ ra các nhược điểm nếu người ca sĩ không được đào tạo cơ bản đầy đủ. Nó không khó ở kỹ thuật hoa mỹ mà khó ở sức căng phải duy trì cho toàn bài, đồng thời phải thể hiện được tâm lý phức tạp và điên loạn của nhân vật mà Mozart đã mô tả qua những hợp âm vô cùng kích động. Phần cao trào của nó còn có hai “chuỗi” chạy nốt và kỹ thuật staccato ở tốc độ rất nhanh lên tới nốt Đô quãng 6 là giới hạn trong loại giọng của tôi. Tôi rất hứng khởi khi tập trích đoạn này bởi nó không chỉ giúp tôi mở rộng giới hạn bản thân về âm vực, kỹ thuật chạy nốt mà còn trút được những cảm xúc thực sự mạnh mẽ trong lòng mình vào âm nhạc”.

Mong ước lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Theo các nghệ sĩ, hát dòng nhạc thính phòng, nhạc kịch rất khó, phải có năng khiếu, ý chí rèn luyện, sức khỏe, sự hiểu biết và tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật này. Mức lương và thù lao của nghệ sĩ hát thính phòng còn hạn chế, lại không có điều kiện để cống hiến thường xuyên. Thị trường âm nhạc hiện nay thiên về nhạc trẻ. Các ca sĩ dòng nhạc cách mạng, trữ tình cũng thường chỉ được mời biểu diễn trong dịp lễ kỷ niệm. Hát thính phòng, opera còn hiếm vở diễn hơn.

Trước những thử thách đó, những tài năng hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng ấy luôn có đam mê, tâm huyết để phát triển dòng nhạc này, dù con đường đầy chông gai, gian nan, vất vả. Ước mơ lớn nhất của Trần Quốc Đạt là được hát cổ điển, cùng các bạn trẻ yêu dòng nhạc này tiếp tục “truyền lửa” mà những bậc tiền bối đã và đang cống hiến hết mình. Đạt tha thiết mong mỏi các nhạc sĩ tài năng sáng tác nhiều tác phẩm thính phòng hơn nữa về đề tài quê hương, lịch sử, con người Việt Nam.

Với Nguyễn Hà My, đam mê lớn nhất là trở thành một nghệ sĩ opera thực thụ. Hà My mong ước: “Tôi muốn mở rộng bản thân, tiếp tục chinh phục các tác phẩm thách thức lớn hơn, được hóa thân vào các vai diễn opera giàu tâm trạng, đặc biệt là opera Việt Nam. Tôi ước mơ được đóng trọn vẹn “Cô Sao” - tác phẩm opera đầu tiên của Việt Nam mà tôi vô cùng yêu thích. Tôi đã từng có những buổi biểu diễn opera miễn phí trước các sinh viên đại học, các em thiếu nhi, người khuyết tật và các khán giả khác tại các không gian công cộng của thành phố. Trong thời gian tới, tôi sẽ cộng tác với các nghệ sĩ trẻ khác cùng chí hướng để phát triển những chương trình âm nhạc thiện nguyện, lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển thêm chuyên nghiệp và hiệu quả”...

NSND Quang Thọ và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đánh giá cao nỗ lực, đam mê cũng như tài năng của các thí sinh trong cuộc thi này, đặc biệt là những quán quân cuộc thi.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông đề nghị, trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VH,TT&DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật, nhà hát liên quan tiếp tục chú trọng nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc cổ điển thính phòng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sỹ tài năng, nhất là các tài năng trẻ của loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ điển thính phòng.