Phát hiện 'ổ' 28 trẻ mắc thủy đậu ở Đắk Lắk

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên địa bàn huyện huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, mới ghi nhận một ổ dịch thủy đậu tại trường mầm non với 28 trẻ mắc bệnh.
Các nốt mụn nước do bệnh thuỷ đậu gây nên. (Ảnh: Quang Nhật)
Các nốt mụn nước do bệnh thuỷ đậu gây nên. (Ảnh: Quang Nhật)

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Ea Kar, trước đó, ngày 2/1, bé N.P.P.T (5 tuổi, trú tại Thị trấn Ea Kar) có hiện tượng sốt, nốt bọng nước đầu tiên ở bụng sau đó lan sang tay và trán.

Ngày 3/1, người nhà đi mua thuốc tại hiệu thuốc điều trị 3 – 4 ngày cho bé. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, nốt mụn nước đã khô, T đã đi học trở lại. Sau đó, ngày 17-22/1, xuất hiện thêm 27 trường hợp bị thủy đậu, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều thuộc lớp Lá 2, trường mầm non Măng Non.

Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ổ dịch, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar đã nhanh chóng tiến hành xác minh các trường hợp mắc bệnh tại trường học, lập danh sách các bé theo ngày mắc bệnh, tiền sử tiêm chủng thủy đậu, cơ sở điều trị và tình trạng hiện tại. Đơn vị cấp phát Chloramin B cho trường học để vệ sinh phòng học và đồ chơi, hướng dẫn nhà trường cũng như phụ huynh thực hiện các biện pháp để phòng dịch bệnh lây lan và cách chăm sóc khi trẻ mắc bệnh. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống bệnh thủy đậu.

Theo chuyên gia y tế, trẻ mắc thủy đậu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn. Đồng thời có thể để lại các biến chứng về thần kinh như: viêm màng não, viêm tủy, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh, suy thận, viêm cầu thận…

Hiện bệnh thủy đậu chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị thường tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.

Để phòng bệnh, biện pháp hiệu quả là tiêm vaccine phòng thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Theo nhiều nghiên cứu, nếu trẻ đã được tiêm đầy đủ vaccine thủy đậu thì 80 - 90% có khả năng phòng bệnh. Còn khoảng 10% trẻ vẫn có nguy cơ bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này chỉ bị nhẹ và thường là không bị biến chứng. Đồng thời, những trường hợp mắc thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày để tránh lây lan.