Phát hiện vi phạm hành chính: Đề xuất thêm 3 nhóm lĩnh vực được sử dụng thiết bị kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống ma túy và phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được Bộ Công an đề xuất đưa vào được 3 nhóm lĩnh vực mới được quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính.

Bộ Công an đang lấy ý kiến của người dân đối với Dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (Dự thảo Nghị định).

Theo Bộ Công an, sau hơn 7 năm tổ chức triển khai thực hiện, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu thay thế để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm hành chính trong tình hình mới.

Ngoài ra, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP chỉ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, hiện vẫn chưa có quy định trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đây là các lĩnh vực mới được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020. Do đó, Dự thảo Nghị định quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh thêm 3 lĩnh vực so với Nghị định số 165/2013/NĐ-CP.

Bộ Công an nhấn mạnh thực tế các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực mở rộng thêm của Dự thảo Nghị định đã được quy định ở các văn bản pháp luật khác. Do vậy nguồn kinh phí mua sắm, thuê, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do NSNN đảm bảo theo quy định của pháp luật và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo đang được Bộ Công an lấy ý kiến cũng quy định cụ thể đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của 3 nhóm lĩnh vực mới. Các lực lượng khi tham gia phối hợp, được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng phối hợp, để phát hiện vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

Dự thảo cũng quy định, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, thanh tra viên chuyên ngành, công chức khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải nắm vững chế độ quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan. Lực lượng này khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn, giữ gìn, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Dự thảo Nghị định đang được Bộ Công an trình lấy ý kiến góp ý từ 25/08/2021 cho đến hết ngày 25/10/2021.

Đọc thêm