“Phát hoảng” với nhạc trẻ nhảm nhí

(PLO) - Trước đây, âm nhạc VN không thiếu những bài hay, ca từ tuyệt đẹp, giàu ý nghĩa nhân văn, nhưng dòng nhạc thị trường hiện nay có vô số ca khúc khiến người nghe phát hoảng bởi sự nhảm nhí, tối nghĩa, trái với thuần phong mỹ tục lại xuất hiện tràn lan trên các trang nhạc trực tuyến.
Phương My với ca khúc “Nói dối” bị liệt vào hàng thảm họa nhạc Việt
Phương My với ca khúc “Nói dối” bị liệt vào hàng thảm họa nhạc Việt

Nhạc rác – thảm họa showbiz Việt

Đã nhiều năm nay trên một số trang web nhạc trực tuyến, băng đĩa, và sân khấu ca nhạc xuất hiện không ít ca khúc bị liệt vào hàng thảm họa nhạc Việt bởi âm nhạc sao chép, nhạt nhẽo, ca từ phản cảm, tục tĩu, khiến cộng đồng phẫn nộ.
Trước đây, âm nhạc VN không thiếu những bài hay, ca từ tuyệt đẹp, giàu ý nghĩa nhân văn, nhưng tại sao dòng nhạc thị trường hiện nay có vô số ca khúc khiến người nghe phát hoảng bởi sự nhảm nhí, tối nghĩa, trái với thuần phong mỹ tục lại xuất hiện tràn lan trên các trang nhạc trực tuyến? Phải chăng do thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay đang trở lên lệch lạc! Ngạc nhiên hơn là nó vẫn được những “ca sĩ” mì ăn liền nghêu ngao trên không ít sân khấu ca nhạc và vượt qua tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Mở màn cho thảm họa Vpop này là ca khúc Nói dối qua thể hiện của Phương My – một cô gái chưa từng được ai biết, bỗng trở thành hiện tượng khi cho ra mắt ca khúc này năm 2011. Chỉ sau 5 ngày phát hành trên Youtube, ca khúc đã thu hút gần 30.000 lượt theo dõi. Hầu hết người nghe đều kinh hãi ca khúc này. Độ “hot” của Nói dối chính là những ca từ dài dòng, phản cảm, gây sốc, khiến người nghe chói tai “Nói dối làm tim tan nát. Nói dối làm trái tim đau. Khi đã yêu nhau trong đời, khi đã tin yêu thật rồi, tại sao tại sao tại sao? Tại sao anh lại nói dối?”.
Trên nền nhạc đơn điệu, Phương My nhún nhảy với bộ tóc giả màu hồng ánh kim, cặp mắt kính to đùng cũng màu hồng che gần hết khuôn mặt, khiến người xem liên tưởng tới phong cách kỳ dị của Lady Gaga. Nhưng, sau khi ca khúc được gán mác thảm họa, Phương My vẫn tự tin chia sẻ: “Tôi đi tìm chỗ đứng trong lòng khán giả bằng tất cả mọi cách. Với tôi, scandal là cái mang một người bình thường trở thành một người nổi tiếng”. Cô sẵn sàng hứng chịu lời lẽ cay nghiệt, lên án từ phía công chúng. Kết cục là cái tên Phương My đã trở nên mờ nhạt và rơi vào quên lãng.
Còn đâu tính nhân văn?
Bất ngờ là những ca khúc thảm họa luôn có số lượng người truy cập rất cao, phổ biến nhất là trên YouTube. Nói dối của Phương My đạt trên 1,2 triệu lượt truy cập, có 535 ý kiến thích và hơn 14.000 ý kiến không thích. Nếu so với ca khúc đỉnh cao Giọt nắng bên thềm của diva Thanh Lam cũng chỉ có gần 14.000 lượt người truy cập, thì đây là một nghịch lý khó hiểu. Có lẽ xuất phát từ nhiều diễn đàn mạng, công chúng đã không tiếc lời phê phán, kêu gọi tẩy chay, khiến nhiều người vì tò mò phải vào nghe một lần cho biết.
Các ca sĩ thể hiện Phiếu bé ngoan đã bị xử phạt

Các ca sĩ thể hiện Phiếu bé ngoan đã bị xử phạt

Tạo nên cơn sốt về lượng truy cập, vô tình nâng giá trị ảo cho bài hát, càng khiến “ca sĩ” ảo tưởng về sự nổi tiếng nhanh chóng và muốn tiếp tục gây sốc để càng nhiều người biết tới. Những “tác phẩm” sau luôn cố gắng “ấn tượng” hơn “tác phẩm” trước khiến cho showbiz Việt thêm bát nháo. Cộng thêm với sự “tung hê” thiếu trách nhiệm của giới truyền thông trên một số trang báo mạng dễ dãi đã góp phần tạo đất sống cho thảm họa của nghệ thuật.
Giữa tháng 6 vừa qua, cộng đồng la ó ca khúc Phiếu bé ngoan 2 qua phần thể hiện của Yanbi và Mr. T cùng những giọng ca của giới underground như Đạt Low, T-Akayz, Bueno. Ngay lập tức ca khúc tục tĩu này nhận được hàng ngàn lượt nghe. Nội dung ca khúc nghèo nàn, mang tính khiêu dâm, mô tả lại cảnh giường chiếu một cách trơ trẽn, và còn đệm cả những câu nói tục.
Phải loại bỏ ngay nhạc rác
Sau khi được báo chí phản ánh, Bộ VHTTDL đã yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) và Thanh tra Bộ VHTTDL vào cuộc kiểm tra, xử lý. Thanh tra đã tiến hành lập văn bản xử phạt 7 trang mạng nghe nhạc trực tuyến (8 triệu đồng) phổ biến bản ghi âm ca khúc “Phiếu bé ngoan”, “Tan Ka Ka (Ganja)” có nội dung phản cảm, và yêu cầu gỡ bỏ các ca khúc này ra khỏi hệ thống. Đó là các trang: Nhacvietplus.com.vn; Nhaccuatui.com; Chacha.vn; Nhac.vui.vn; Nhacso.net; Imuzik và Zing Mp3. Ca sĩ Yanbi và Mr. T bị phạt 5 triệu đồng mỗi người, T-Akayc (Vũ Quốc Tùng) bị phạt 4 triệu đồng vì phổ biến bản ghi âm này. Về phía Cục NTBD, Phó cục trưởng Ngô Hoàng Quân khẳng định: Những trường hợp sáng tác và biểu diễn những ca khúc có nội dung phản cảm, chắc chắn sẽ khó có thể được Cục NTBD cấp thẻ hành nghề nếu đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ được áp dụng.
Hậu quả của dòng nhạc rẻ tiền này đang đầu độc cả một thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Nó không chỉ phản giáo dục, đi ngược với định hướng thẩm mỹ mà còn làm lu mờ những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc. Đã đến lúc các cơ quan quản lý phải thắt chặt hơn nữa công tác quản lý văn hóa, có chế tài mạnh với những ca khúc phản văn hóa này, để trả lại sự trong sáng đúng nghĩa cho ngôn ngữ âm nhạc VN.