Ca đỡ đẻ oan nghiệt
Hơn 18 năm qua đi nhưng câu chuyện về người chồng rạch bụng vợ để cứu con vẫn còn ám ảnh nhiều người. Đứa bé trong câu chuyện này tên là Trần Thị Mỹ Xuyến (SN 1996, ngụ thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
Vừa kể lại chuyện, mọi người trong thôn chỉ đường vào ngôi nhà nhỏ của Xuyến, nơi cô bé bất hạnh được cha mẹ nuôi cưu mang từ lúc 3 ngày tuổi. Trong ngôi nhà tềnh toàng, chúng tôi bắt gặp người đàn ông khắc khổ, hỏi ra mới biết ông là Trương Văn Kim (SN 1969, bố nuôi của Xuyến).
Theo lời kể của anh Kim, bố Xuyến là một người nông dân tên Nguyễn Dưỡng (SN 1969) người địa phương, còn mẹ Xuyến vốn quê Bình Định, tên là Nguyễn Thị Mủn (SN 1972). Trong một lần chị Mủn vào đây làm thuê rồi gặp anh Dưỡng và hai người đến với nhau mà không hề cưới hỏi.
Không có đất ở, hai người xin ở trên mảnh đất của một người hàng xóm, dựng túp lều tranh ở tạm. Dù trong cảnh làm thuê kiếm sống qua ngày nhưng bố mẹ Xuyến được dân làng quý mến vì tính thật thà, chịu thương chịu khó.
Vài năm sau, hai anh trai của Xuyến lần lượt chào đời, gia cảnh lúc này càng khốn khổ, đến nỗi hai anh trai của Xuyến chẳng có tên họ đàng hoàng, mà chỉ gọi bằng cái tên “Chó anh”, “Chó em”. Tuy có hai con nhưng bố mẹ Xuyến vẫn muốn sinh một đứa con gái út. Bi kịch của gia đình, bản thân Xuyến và cái chết của người mẹ bắt đầu từ lần sinh nở thứ ba đầy nước mắt này.
Ngày đau đẻ, dù chị Mủn kêu la dữ dội và không thể rặn đẻ nhưng nhà không có một xu, không thể đi bệnh viện, cũng không thể gọi bà đỡ nên anh Dưỡng đã làm một việc dại dột mà theo mọi người nói là chưa từng có. Chị Mủn chuyển dạ từ trưa nhưng đến chiều vẫn không sinh được Xuyến, trong khi thân xác vô cùng đau đớn.
Đến lúc người mẹ không còn chịu đựng được nữa đành quát chồng: “Lấy dao rạch ra, không rặn đẻ được nữa, cứ để thế con chết ngạt bây giờ”. Thấy vợ kêu la, anh Dưỡng sai con trai chạy đi mua dao lam nhưng không được vì thiếu tiền. Lúc này, anh bế tắc và quẫn trí lấy con dao phay dùng để thái rau rạch bụng vợ để cứu con gái.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình bố mẹ nuôi Xuyến hiện tại. |
Xuyến may mắn được cứu sống nhưng người mẹ sau đó đã trút hơi thở cuối cùng. Trong tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh, dân làng tổ chức đám tang cho người mẹ tội nghiệp. Còn người chồng, sau khi gây ra cái chết của vợ, dù có dấu hiệu của tội giết người; nhưng sau khi bàn bạc, cân nhắc, cơ quan chức năng đã miễn truy tố vì hành động đó suy cho cùng là để cứu vợ, cứu con.
Gây ra tội lỗi nhưng người đàn ông này cũng chính là nạn nhân hứng chịu nỗi đau, đáng thương hơn đáng trách. Hơn nữa, những đứa trẻ rất cần có người chăm sóc, nuôi dưỡng vì đã mồ côi mẹ.
Cha hóa điên dắt hai anh biệt xứ
Không phải chịu sự trừng phạt nào từ pháp luật nhưng có lẽ bản án lương tâm khiến bố Xuyến luôn dằn vặt, đau khổ. Bỏ mặc con nhỏ cho hàng xóm trông nom, người cha ngày ngày chìm trong những cơn sầu muộn và tìm đến rượu để giải sầu.
Ba ngày sau, bố Xuyến bỗng hóa điên, bỏ mặc con gái út ở nhà, dắt hai đứa con trai ra đi biệt xứ. Nhìn đứa trẻ đỏ hỏn, tội nghiệp nhưng họ hàng hai bên không ai dám cưu mang vì quan niệm “nó vừa chào đời đã gây nên tội, vì nó mà mẹ nó chết, ai nhận nuôi sẽ gặp xui xẻo”. Thậm chí, có người còn định mang Xuyến đặt ngoài con dốc để em đói lả chết theo mẹ.
Lần thứ hai cận kề cái chết, bé gái được cứu sống bởi một người phụ nữ tốt bụng. Đó là chị Trần Thị Mâu (SN 1970), nhà ở bên kia con suối, vốn có chồng nhưng bị ruồng rẫy vì không con. Chị nhận bé gái về làm con nuôi, thương yêu như con ruột. Bé gái được đặt theo họ mẹ nuôi, cái tên Trần Thị Mỹ Xuyến cũng có từ đó.
Bà ngoại nuôi của Xuyến tâm sự: “Lúc đó dân làng ai cũng sợ nuôi con bé thì sẽ gặp tai họa nên không có ai dám nhận. Có người ở xa không biết chuyện đến xin con nhưng khi biết đứa bé là con gái thì không đồng ý. Chứng kiến cảnh đó tôi thương cháu quá nên động viên con Mâu nhận về nuôi cho tới bây giờ”.
May mắn đến với hai mẹ con khi một năm sau, chị Mâu quen và kết duyên với anh Kim, người đàn ông đã từng qua “một lần đò”. Thấu hiểu hoàn cảnh bất hạnh của Xuyến, anh Kim thương bé gái như chính con gái ruột của mình. Về sau chị Mâu sinh một đứa con trai, Xuyến được cả bố mẹ lẫn em trai yêu thương đùm bọc.
Bất hạnh chưa buông tha
Dù được bố mẹ nuôi thương yêu đùm học nhưng cuộc đời của Xuyến lại lắm bất công khi lớn lên phải đối mặt với bệnh tật. Xuyến lớn lên bình thường cho đến khi được 5 tuổi thì gia đình phát hiện ra con gái mình bị mờ mắt.
Thấy mắt con gái vô duyên vô cớ cứ mờ dần, vợ chồng chị Kim thầm hiểu đó là di chứng để lại từ khi sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Biết mọi sinh hoạt, học tập của Xuyến đều rất khó khăn nhưng gia đình chẳng thể đưa con đi khám vì quá nghèo.
Việc đi học với Xuyến cũng vô cùng cực nhọc khi cô bé phải mất bốn năm mới học xong lớp 1, ba năm cho lớp 2, hai năm cho lớp 3. Khi học hết lớp 4, Xuyến đành phải xin các thầy cô cho em được nghỉ.
Nghỉ học, Xuyến theo bố mẹ lên nương nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn vì em bị cận nên rất chậm chạp. Đôi lúc thấy con gái dò dầm bước đi, anh Kim vừa thương con vừa ứa nước mắt. Thời gian đầu, khi anh Kim đưa con vào TP.Tuy Hòa khám miễn phí thì được biết Xuyến bị cận tới… 22 độ. Điều tồi tệ nữa là nếu độ cận cứ tăng lên như thế thì chẳng bao lâu em sẽ bị mù vĩnh viễn.
Bố nuôi, bà ngoại nuôi và em nuôi của Xuyến |
Nói về công việc hằng ngày con gái có thể làm được, anh Kim chia sẻ: “Xuyến nó chỉ có thể quét nhà, nấu cơm, giặt giũ rồi hủ hỉ với bà ngoại. Dù trong nhà nhưng ngày nào nó cũng bị vấp té, trầy tay, sưng trán. Ngay cả việc nấu cơm cũng khó khăn khi có lần cháu bưng nồi canh rồi chẳng may bị vấp ngã bị bỏng. Từ đó tôi không bao giờ dám để cháu nấu canh nữa”.
Năm vừa rồi, sau khi gom góp được ít tiền, vợ chồng anh Kim đưa Xuyến vào TP.HCM khám thì được thông báo Xuyến bị cận thị thoái hóa, phải phẫu thuật nếu không phải chịu cảnh mù lòa vĩnh viễn.
Số tiền phẫu thuật quá lớn đã đành, một điều kiện nữa đó là chỉ khi nào độ cận dừng lại mới có thể phẫu thuật. Trong khi vẫn phải tái khám để theo dõi thì độ cận của Xuyến đã tăng lên tới 24,5 độ. Với tình trạng này, chẳng ai dám chắc được điều gì sẽ xảy ra, hy vọng được lành bệnh của em mỗi ngày một vơi dần.
Bố ruột và hai anh trai Xuyến giờ chẳng biết nơi đâu, chỉ biết rằng đôi khi nghĩ lại, Xuyến vẫn thấy giận cha mình. “Nó nghĩ vì bố nó mà mẹ nó mới chết thảm, gia đình mới tan vỡ như thế này. Nó được ông ấy cứu sống nhưng chưa bao giờ có được gia đình bình thường như người ta, chưa bao giờ được gọi tiếng mẹ đúng nghĩa nên nó còn giận ổng lắm”, anh Kim cho biết./.