Các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và Quốc gia. Nơi đây còn được biết đến là một vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, làn điệu dân ca dân vũ vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lại vừa giàu sắc thái riêng. Vĩnh Phúc cũng có nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, các món ăn đặc sản nổi tiếng.
Với tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, Vĩnh Phúc được đánh giá có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và phong tục tập quán truyền thống hấp dẫn để khai thác các loại hình du lịch văn hoá lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp – nông thôn - tham quan – nghỉ dưỡng – hội nghị.
Để khai thác các tiềm năng, thế mạnh du lịch nói trên, việc kết nối hoàn chỉnh thành một chương trình du lịch sẽ là một trong những giải pháp nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Vĩnh Phúc. Đồng thời thông qua đó thu hút được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các ban ngành trung ương, sự hợp tác các nhà đầu tư và đặc biệt là sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành, tuyến du lịch, quảng bá, giới thiệu đưa khách du lịch trong nước và quốc tế đến với nơi đây.
Khu du lịch Tam Đảo Vĩnh Phúc, điểm đến độc đáo và đặc sắc (Ảnh: Lê Trang) |
Việc liên kết tour, tuyến du lịch của các địa phương trong tỉnh nhằm phát huy những thế mạnh riêng của từng địa phương để hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, mới lạ và độc đáo cũng là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm tương tự.
Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 29 xã được duyệt xây dựng làng văn hóa trọng điểm kiểu mẫu. Từ xuất phát điểm này, có thể phát triển việc mỗi một mô hình làng văn hóa kiểu mẫu sẽ cung cấp các dịch vụ du lịch khép kín với những đặc sắc riêng của địa phương đó, biến đây thành đầu mối thu hút khách du lịch. Không chỉ dừng lại ở đó, từ các làng văn hóa kiểu mẫu sẽ hình thành các thiết chế văn hóa – thể thao, sinh hoạt cộng đồng làng xã nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; cải thiện môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước.
Song song với quá trình trên là thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự quản và sáng tạo của nhân dân, qua đó cải thiện thu nhập của người dân, góp phần nâng cao đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.
Bên cạnh đó, cũng cần phải ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở, mạng lưới giao thông, Vĩnh Phúc sẽ tiến tới hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư và tiếp tục xúc tiến hoạt động quảng bá, hợp tác du lịch để ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế biết tới và lựa chọn Vĩnh Phúc như một điểm đến không thể bỏ qua khi tới Việt Nam.
Tỉnh cũng khuyến khích nghệ nhân, thợ thủ công ở các làng nghề thiết kế, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách, vừa để đem lại giá trị kinh tế, cũng vừa quảng bá hình ảnh của địa phương. Việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, đào tạo nhân lực làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch… được coi là những hoạt động cần thiết để phát triển loại hình này theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khai thác tốt các tuyến, điểm du lịch nội tỉnh; kết nối du lịch với các tỉnh lân cận, liên kết mạnh hơn, chặt chẽ hơn với các tỉnh này để xúc tiến phát triển du lịch lên một tầm cao mới.