Bộ phận máu thịt không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và coi đây là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nêu rõ yêu cầu có chính sách động viên và tạo điều kiện cho NVNONN hướng về quê hương tham gia xây dựng đất nước. Khuyến khích đồng bào đầu tư về trong nước, có chính sách thu hút, phát huy sự đóng góp của trí thức Việt kiều. Vận động đồng bào chấp hành tốt pháp luật ở các nước sở tại, đồng thời có biện pháp tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đồng bào…
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao, sau 20 năm kể từ khi Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của NVNONN trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng cao, công tác NVNONN ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự tham gia mạnh mẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, công tác đại đoàn kết, vận động cộng đồng hướng về quê hương, đất nước, thu hút nguồn lực NVNONN đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến NVNONN đã được xây dựng, ban hành, chế độ chính sách và khen thưởng đối với NVNONN có công trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước được tích cực triển khai, góp phần quan trọng động viên, khuyến khích kiều bào hướng về quê hương, tham gia đóng góp cho đất nước. Công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng Việt cũng đã ngày càng được chú trọng và đã có nhiều tiến triển tích cực, góp phần cơ bản xây dựng cộng đồng NVNONN hội nhập thành công và có vị thế ở sở tại.
Công tác quản lý lao động, du học sinh VNONN… tiếp tục được tăng cường, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực lao động, xuất nhập cảnh, con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài… được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NVNONN. Tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN đã được củng cố, kiện toàn đảm bảo sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương và Cơ quan đại diện VNONN.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự Chương trình Xuân Quê hương năm 2022. |
Cộng đồng ngày càng lớn mạnh
Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, trong 20 năm qua, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu người năm 2003, hiện đã tăng lên khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao.
Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về kinh tế, tính đến hết năm 2021, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân kiều bào về nước thành lập, điều hành đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội. Kiều hối liên tục tăng, năm 2021 đạt 18,1 tỷ USD2, tăng 5,2% so với năm 2020; đưa tổng kiều hối từ năm 2003 - 2021 đạt khoảng 187 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Khi đất nước gặp khó khăn, kiều bào luôn đồng hành và sẵn sàng ủng hộ trong nước. Điển hình, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, kiều bào đã quyên góp hơn 80 tỷ đồng tiền mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong nước. Về tri thức, nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối chuyên gia, trí thức người Việt tại các địa bàn đóng góp cho những vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Ngoài ra, kiều bào còn đóng góp tích cực vào quá trình vận động chính quyền các nước ký kết các hiệp định thương mại với Việt Nam, đóng góp vào việc bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác đại đoàn kết đối với NVNONN vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; công tác thu hút nguồn lực NVNONN chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, mới chỉ tập trung vào nguồn lực kinh tế mà chưa khai thác, phát huy được nguồn lực trí thức và nguồn lực mềm. Việc hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, nâng cao địa vị pháp lý, hội nhập vào xã hội sở tại còn gặp nhiều khó khăn, mà nguyên nhân chính là hạn chế về nguồn lực và cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gặp nhiều khó khăn do cộng đồng hòa nhập ngày càng sâu vào xã hội sở tại và thế hệ trẻ giảm gắn bó với quê hương…
Ảnh minh họa |
Phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng kiều bào
Tại Đại hội XIII, Đảng ta yêu cầu tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước của đồng bào trong và ngoài nước nhằm đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu mới, từ góc độ công tác NVNONN, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao cho rằng cần thiết có Nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở kế thừa, phát huy những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW; đồng thời cập nhật, bổ sung những quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII về công tác đại đoàn kết dân tộc và công tác NVNONN.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đề nghị, đối với công tác NVNONN, Nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc cần nhấn mạnh và thể hiện mục tiêu củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có NVNONN. Xây dựng cộng đồng NVNONN ổn định, phát triển, hội nhập thành công ở sở tại và hướng về quê hương, đất nước, đóng góp phù hợp theo khả năng, thế mạnh của mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Theo ông Phạm Quang Hiệu, công tác NVNONN cần đẩy mạnh thực hiện hai nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ và nhóm nhiệm vụ về vận động. Trong đó, với nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ, cần tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài hỗ trợ và chăm lo đời sống NVNONN, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế huy động, sử dụng và quản lý nguồn lực hỗ trợ cộng đồng… Về vận động, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện và thu hút kiều bào về nước đóng góp. Sớm hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của chuyên gia, trí thức, doanh nhân NVNONN, tranh thủ tối đa nguồn lực của kiều bào để phát triển khoa học - công nghệ trong nước…
“Hai nhóm nhiệm vụ trên có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, hỗ trợ để vận động, vận động để hỗ trợ; do vậy cần được triển khai đồng thời. Theo đó, nhiệm vụ hỗ trợ cần thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo NVNONN; giải quyết các nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của bà con. Nhiệm vụ vận động cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích kiều bào phát huy nguồn lực, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đây chính là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích quốc gia - dân tộc, qua đó tạo điều kiện phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng NVNONN”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu rõ.
Tình hình quốc tế, khu vực, cộng đồng NVNONN và những yêu cầu của đất nước, yêu cầu về việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước đã và đang đặt ra cho công tác đại đoàn kết với NVNONN những nhiệm vụ mới. Những tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đòi hỏi công tác NVNONN nói chung và công tác đại đoàn kết đối với NVNONN có sự đổi mới, thích ứng với tình hình. Về tình hình cộng đồng NVNONN, cộng đồng NVNONN tiếp tục lớn mạnh, thay đổi về thành phần, chuyển biến về tư tưởng. Thế hệ kiều bào thứ 2-3 sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ít gắn bó với quê hương. Trong tương lai, kiều bào trẻ và số di dân mới sẽ trở thành nhân tố chính quyết định tới quan điểm, thái độ của cộng đồng.