Văn hóa & Pháp luật

Phát huy nguồn lực con người để văn hóa Việt phát triển vững bền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nguồn lực con người chính là một trong những nội lực quan trọng nhất, không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của dân tộc. Phát huy tối đa sức mạnh của nguồn lực con người trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chính là nhiệm vụ trong tâm mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định trong những năm qua.
Các nghệ nhân dân gian được tạo nhiều điều kiện để trao truyền nghệ thuật dân tộc. (Ảnh minh họa)
Các nghệ nhân dân gian được tạo nhiều điều kiện để trao truyền nghệ thuật dân tộc. (Ảnh minh họa)

Đề cao sức mạnh con người trong phát triển văn hóa

Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa, con người. Đại hội XIII đã một lần nữa nhấn mạnh vai trò trung tâm của con người trong phát triển văn hóa. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Hội thảo Văn hóa 2022 - Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17/12, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nêu rõ, mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn. Đảng khẳng định: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa. Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người.

Bằng những chính sách sâu sát và hiệu quả. Đảng và Nhà nước ta đã tích cực vun bồi lực lượng nghệ sĩ, những người làm văn hóa nghệ thuật. Tinh thần yêu nước, tự hào, dân tộc, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết trong xã hội được đẩy mạnh. Việc chăm lo phát triển nhân cách, đạo đức, ý thức xã hội, sứ mệnh nghệ thuật... trong những người làm nghệ thuật cũng được quan tâm. Đồng thời, việc bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa dân tộc được tích cực thực hiện, mà cụ thể là chính sách dành cho những người làm công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản.

Thời gian qua, các nghệ sĩ đã được Nhà nước quan tâm đúng mức. Họ được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển, phát huy tài năng, tự do sáng tạo. Nhà nước cũng quan tâm, đầu tư cho việc đào tạo bằng việc mở rộng các đơn vị đào tạo nghệ thuật trong nước, liên kết đào tạo quốc tế, giúp nghệ sĩ có được những cơ hội “bằng vàng” để học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, vươn tầm quốc tế.

Các nghệ sĩ cũng được tạo điều kiện tham gia vào việc xây dựng chính sách pháp luật, giữ những vị trí trong Đảng, chính quyền, đại diện giới nghệ thuật, cất lên tiếng nói của mình.

Nhà nước đều có các đợt xét phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú cho các nghệ sĩ. Đó là sự vinh danh tốt đẹp dành cho những nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho công chúng, cho nền nghệ thuật nước nhà.

Trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến lực lượng nghệ nhân dân gian - những người làm công tác gìn giữ, trao tuyền di sản văn hóa. Tại nhiều địa phương, các CLB nghệ nhân dân gian ra đời. Nhiều nghệ nhân được vinh danh, được tạo nhiều điều kiện để biểu diễn, đào tạo nghệ nhân trẻ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Các nghệ nhân có nhiều cống hiến cũng được vinh danh bằng những đợt xét tặng danh hiệu. Như mới đây nhất, vào tháng 12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành các Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho 628 nghệ nhân đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc trong các lĩnh vực.

Tuy nhiên, đó đây, nhiều nghệ sĩ giỏi, tài năng vẫn chưa có “đất sống”, chưa phát huy được năng lực, sở trường của mình. Vẫn có những nghệ sĩ gạo cội trong những lĩnh vực nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, nhưng đang trên hành trình “đơn độc”, vì nhiều khó khăn mà không được hỗ trợ. Và có những nghệ nhân dân gian đứng trước nỗi lo đau đáu thất truyền nghệ thuật truyền thống, vì miếng cơm manh áo, nguy cơ phải bỏ nghề...

Nhiều nghệ sĩ ở chức danh quản lý, khi cất lên tiếng nói của mình trong những hội thảo, những diễn đàn văn hóa, đã đóng góp ý kiến rằng, cơ quan quản lý văn hóa cần chú trọng và phát triển hơn nữa nguồn nhân lực, tạo ra nhiều cơ hội, nhiều "đất diễn" hơn cho các nghệ sỹ. Chỉ khi nào nghệ sỹ yên tâm sống tốt, sống khỏe bằng tài năng và nghề nghiệp của mình thì họ mới có những tác phẩm để đời, cống hiến hết mình để xây dựng văn hóa Việt Nam giàu mạnh.

Làm gì để nghệ sĩ là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”?

Trong những năm qua, quả thật, nhờ đầu tư đúng đắn vào nội lực con người, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa đã có những bước tiến đáng kể. Đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cấp, nền giải trí phát triển, nghệ thuật đạt được những thành tựu to lớn. Nhiều nghệ sĩ Việt không chỉ có tài năng mà còn có trách nhiệm cộng đồng lớn lao, tham gia vào các hoạt động thiện nguyện giúp người. Điều này càng được chứng minh qua thời điểm COVID-19, giãn cách xã hội năm 2021, khi nghệ sĩ là những người dấn thân mạnh mẽ trong công tác xã hội, dùng hoạt động nghệ thuật để nâng đỡ tinh thần con người trong gian khó.

Chúng ta cũng đã có những nghệ sĩ lớn, sánh vai với nghệ sĩ quốc tế, đạt được những thành tựu nghệ thuật xuất sắc mà thế giới phải nể phục, có những tác phẩm nghệ thuật như hội họa, văn chương, điện ảnh, âm nhạc... được giới nghệ thuật quốc tế đánh giá cao. Thông qua hoạt động nghệ thuật tương tác quốc tế, các nghệ sĩ không những để lại những mốc son, ghi dấu ấn đối với nghệ thuật quốc tế, mà còn quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, đời sống, danh lam thắng cảnh... Việt trong mắt bạn bè thế giới.

Tuy nhiên, cạnh những nghệ sĩ chân chính, luôn nỗ lực cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, đào tạo những thế hệ kế cận, vẫn còn những nghệ sĩ có nhận thức lệch lạc, có lối sống thiếu chuẩn mực, nhân danh người làm nghệ thuật để gây ra những hành vi không đúng đắn.

Đó đây, vẫn còn nhiều nghệ sĩ thay vì trau dồi tài năng, nghiệp vụ thì chỉ chăm chăm “đánh bóng” tên tuổi bằng những hành vi khoe thân, phát ngôn gây sốc... Nhiều nghệ sĩ khác, khi tạo ra sản phẩm nghệ thuật, không đặt cho mình sứ mệnh cao cả nâng cao nhận thức nghệ thuật, đem chân - thiện - mỹ đến với công chúng, mà cốt yếu hướng đến lợi ích cho bản thân. Chính vì thế, họ tạo ra những sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, rẻ tiền, thậm chí tạo ra những sản phẩm đồi trụy, tục bậy, méo mó..., đầu độc công chúng.

Nguy hiểm hơn, mạng xã hội ra đời đã tạo ra một làn sóng những người nổi tiếng “ảo”. Không hoạt động nghệ thuật mà chủ yếu là “chiêu trò” trên mạng, nhiều người trẻ bỗng dưng tự nhận, hoặc được gán cho danh hiệu nghệ sĩ. Họ có một lượng người hâm mộ không nhỏ, có sức ảnh hưởng nhất định. Nhưng, những sản phẩm mà họ tạo ra chỉ là những thứ “rác văn hóa”, những sản phẩm dùng để gây sốc, “câu view”, đem lại lợi ích cho người tạo ra nó, nhưng gây hại cho người xem, cho xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh việc “từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”. Theo đó, các mặt hạn chế của con người Việt Nam cần phải được nhận biết, được phê bình, tự phê bình nghiêm khắc, cần phải được sửa chữa, khắc phục để cho dân giàu, nước mạnh.

Để phát huy vai trò trung tâm của yếu tố con người, khắc phục các hạn chế của con người Việt trong xây dựng văn hóa là cả một hành trình dài, nhiều khó khăn và cần sự chung sức của nhiều bên.

Đối với Nhà nước, với cơ quan quản lý, đó là sự tăng cường quan tâm đúng mức về đào tạo, nâng cao nhận thức, nâng cao chất lượng sống của nghệ sĩ, khuyến khích sáng tạo chân chính, đồng thời đưa ra những chính sách, quy định hợp lý để “siết” và xử lý những hành vi sai phạm trong nghệ thuật.

Đối với công chúng, đó là sự cổ vũ cho nghệ thuật chân chính, chọn lọc để thưởng thức, tự nâng tầm nhận thức và thị hiếu bản thân.

Quan trọng nhất là những người nghệ sĩ, cần ý thức cao về vai trò, vị trí của mình trong xã hội, trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghệ sĩ cần không chỉ cần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ mà phải luôn trau dồi cả đạo đức, phẩm chất, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, để xứng đáng là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” như lời Bác dạy.

Đọc thêm