Nạp văn hóa, phát huy “vũ khí mềm”, “nâng cao lòng tự trọng khi tham gia giao thông...” - đó là thông điệp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông do Uỷ ban An toàn giao thông phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam muốn gửi gắm.
Xe buýt lấn đường gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội. |
Mỗi người tự “nạp” văn hóa giao thông
Trong văn hóa giao thông có 3 tiêu chí: (1) Hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; (2) Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; (3) Có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Những hành vi thiếu văn hóa trong giao thông được thể hiện rất đa dạng và phức tạp. Đó có thể là người điều khiển phương tiện giao thông như vượt đèn đỏ, đi xe vào đường ngược chiều, đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới: đi không đúng phần đường của loại phương tiện điều khiển, đi xe quá tốc độ cho phép, lạng lách, đánh võng, bóp còi inh ỏi, vừa điều khiển xe vừa nghe nhạc, điện thoại...
Đó là người gây cản trở giao thông: họp chợ, buôn bán trái phép, lấn chiếm lòng đường vỉa hè; đổ vật liệu xây dựng, phế thải trên đường giao thông; mang vật cồng kềnh quá giới hạn cho phép, gây cản trở tầm nhìn và tầm hoạt động cho các phương tiện khác; đi bộ sang đường không đúng vạch vôi quy định; tụ tập đông người dưới lòng đường, vỉa hè trước cửa trường học, bệnh viện, nhà hát...; đặc biệt nguy hiểm là hành vi tự mở đường ngang qua đường sắt...
Đó cũng là người tham gia, điều hành, quản lý giao thông: nhận tiền hối lộ của người vi phạm luật giao thông; điều hành giao thông thiếu kiên quyết,thiếu tôn trọng người tham gia giao thông; không mạnh dạn sáng tạo bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những sai sót trong nội dung công việc do mình quản lý gây thiệt hại về người và của cho nhân dân...
GS.Hoàng Chương - Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) nhấn mạnh rằng pháp luật về an toàn giao thông có thể được hoàn thiện hàng ngày, các điểm đen trên các cung đường giao thông có thể được thường xuyên khắc phục, nhưng văn hóa giao thông chỉ có thể được hình thành nếu mỗi chúng ta tự giác... “nạp” cho mình văn hóa giao thông.
“Vũ khí mềm” chống lại tai nạn giao thông
Trong buổi họp báo “Phát động văn hóa giao thông năm 2012” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Hoàng Chương cho hay sẽ tiếp tục thực hiện “vũ khí mềm” - đó là “Dự án dưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật”.
Ngoài thực hiện chương trình kịch ngắn “Giao thông - quốc nạn” do đạo diễn, NSND Lê Hùng và Nhà hát Tuổi trẻ đã biểu diễn rất thành công, Trung tâm còn thể nghiệm tuyên truyền về văn hóa giao thông thông qua Hát xẩm, ca kịch, hay triển lãm tranh... và đạt được hiệu quả rất tích cực.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ phát động sáng tác cá kịch bản viết về ATGT, phối hợp với Hội Nhạc sỹ sáng tác các ca khúc, dân ca để dựng thành tiết mục và biểu diễn rộng rãi; tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật về văn hóa giao thông gồm múa rối nước, kịch nói, chèo, bài chòi, cải lương và dân ca... góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng về ý thức, tạo nên nét đẹp văn hóa trong người dân cả nước.
Theo ông Hoàng Chương, cuộc sống chỉ tốt đẹp nếu nó được chi phối bởi văn hóa. Văn hóa giao thông phải mất bao lâu mới hình thành, mới có thì đó là câu chuyện lâu dài mà cốt lõi là ở chỗ phải làm văn hóa thấm sâu vào ý thức của tất cả mọi người trong xã hội.
* Khi đi đường, người Việt ít tự trọng? Cách đây không lâu trên một tờ báo mạng, một độc giả đã viết về những thói quen xấu của người Việt Nam khi tham gia giao thông. Trong những thói quen xấu đó, có thói quen liên quan đến việc thiếu “vitamin” tự trọng của người Việt, đó là tâm lý “mình không lấn thì thằng khác sẽ lấn”. Tâm lý này xuất phát từ thói quen tùy tiện của một vài người sau đó thì người khác bắt chước và dần dần hình thành thói quen “chen”, “lấn”, “cướp”, “tạt”, cắt” dù là dân lao động hay dân trí thức, chị là tiểu thư đài các hay buôn thúng bán bưng. Đúng như GS Hoàng Chương nhận định rằng việc thực hiện đúng luật giao thông khi đi đường là một hành vi văn hóa, thể hiện đẳng cấp con người. Những người luôn tôn trọng luật là những người biết tự trọng. * Lắp còi xe to để vượt - hành vi vô văn hóa! Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra vì lái xe lắp còi hơi “khủng” khiến người tham gia giao thông giật mình ngã ra đường bị xe chèn chết. Tuy nhiên, ở Nghị định 34 và 33 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mức phạt cho hành vi này vẫn rất nhỏ. Trong dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 34 và 33, theo bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cơ quan soạn thảo đề nghị xử phạt 2-3 triệu đồng đối với hành vi lắp, sử dụng thiết bị còi hơi không đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh việc tăng mức xử phạt cũng cần cộng đồng xã hội lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc làm này vì đây chính là một hành vi vô văn hóa của đối tượng tham gia giao thông. |
Thùy Dương