Phát lộ đô thị cổ đại siêu lớn

(PLO) -Nền móng của “Thành phố tròn” al-Mansur là một cột mốc hết sức quan trọng trong lịch sử thiết kế đô thị thế giới. Nó được phát triển để trở thành trung tâm văn hóa của thế giới thời đó. 
Phối cảnh thành phố tròn al-Mansur (kinh thành Baghdad) vào thế kỷ thứ 10, thời kỳ hoàng kim của Hoàng đế Hồi giáo Abbasid al-Mansur
Phối cảnh thành phố tròn al-Mansur (kinh thành Baghdad) vào thế kỷ thứ 10, thời kỳ hoàng kim của Hoàng đế Hồi giáo Abbasid al-Mansur

Nếu Baghdad ngày nay là nơi bạo lực hoành hành dữ dội, cách đây 1.250 năm nó lại là một cột mốc huy hoàng trong lịch sử thiết kế đô thị thế giới. Hơn thế nữa, Baghdad còn là điểm nhấn cho một nền văn minh, nơi khai sinh ra một thành phố sớm trở thành kim chỉ nam văn hóa của cả thế giới. 

“Thành phố tròn”

Được thành lập vào năm 762 sau Công Nguyên (sCN) bởi Abbasid - Quốc vương Hồi giáo -  al-Mansur “Chiến thắng”như là kinh đô mới của đế quốc Hồi giáo này. Khi Quốc vương al-Mansur tìm kiếm địa điểm để xây dựng kinh thành mới của mình, ngài đã không tiếc công sức ngược xuôi giữa sông Tigris và sông Euphrates. Sau khi Quốc vương al-Mansur phê chuẩn điểm xây dựng, đã ra đời bản thiết kế đại đô thị. 

Dưới sự giám sát nghiêm ngặt của nhà vua, các công nhân đã thực hiện kế hoạch xây dựng thành phố tròn theo những hình vẽ bằng xỉ than. Hình tròn hoàn hảo của Baghdad cổ xưa có được là nhờ đóng góp của toán hình học của Euclid, người mà nhà vua đã nghiên cứu và tỏ ra hết sức ngưỡng mộ.

Vào ngày 30 tháng 7 năm 762, các nhà chiêm tinh hoàng gia tuyên bố rằng đó là ngày đẹp nhất để xây dựng đại công trình, hoàng đế al-Mansur đã dâng lễ vật, cầu khấn Thánh Allah rồi tự tay đặt viên gạch đầu tiên, lệnh cho công nhân tiến hành đào móng. 

Bức minh họa Baghdad vào năm 1883
Bức minh họa Baghdad vào năm 1883 

Đại dự án lớn nhất thế giới Hồi giáo

Quy mô của “thành phố tròn” al-Mansur - Baghdad ngày nay - là một trong những khía cạnh đặc trưng nhất trong lịch sử thành Baghdad. Với chu vi lên tới 4 dặm, những bức tường gạch vĩ đại nhô lên từ bờ sông Tigris về cơ bản đã tạo dựng nên hình hài của thành phố tròn al-Mansur. 

Theo học giả sống vào thế kỷ 11 là Al Khatub al Baghdadi – người từng viết nên cuốn sách “Lịch sử Baghdad” mô phỏng khá chi tiết thông tin về việc xây dựng đô thị cổ này – thì tường thành được xây dựng và dính kết với nhau bằng những bó sậy.

Trường thành ngoại của al-Mansur cao ước khoảng 24,3m, trên đó là đồn lũy và các pháo đài. Có một con hào sâu được đào theo chu vi của trường thành ngoại. Lực lượng nhân lực xây dựng nên al-Mansur cũng khá khổng lồ với hàng ngàn kiến trúc sư và kỹ sư, chuyên gia, giám sát viên và thợ mộc, thợ rèn, phu đào đất và lao động thông thường đã được tuyển dụng từ khắp đế quốc Abbasid.  

Thành phố tròn al-Mansur đã trở thành đại dự án xây dựng lớn nhất thế giới Hồi giáo: Sử gia Yaqubi nhắc đến con số 100.000 nhân công đã góp tay xây dựng công trình. Thiết kế hình tròn của thành phố quả là một sự đột phá ngoạn mục.

Học giả Al Khatub al Baghdadi nhấn mạnh: “Họ nhấn mạnh rằng không có bất kỳ thành phố tròn nào khác trên thế giới hồi đó”. 4 cổng trường thành đều hướng thẳng ra những con đại lộ bên trong dẫn đến trung tâm của kinh thành.

Cổng Kufa nằm ở hướng Tây-Nam, cổng Basra nằm ở hướng Đông –Nam, cả 2 cổng này đều mở ra kênh đào Sarat – đây được xem là chìa khóa quan trọng của mạng lưới kênh tiêu nước dẫn nước từ sông Euphrates vào sông Tigris, khung cảnh thật ngoạn mục.

Một con phố ở Baghdad vào năm 1918.
Một con phố ở Baghdad vào năm 1918.

Cổng Sham (Syrian) nằm ở hướng Tây – Bắc dẫn ra con lộ chính đến Anbar và băng qua vùng hoang mạc để đến đất nước Syria. Cổng Khorasan nằm ở hướng Đông – Bắc lại nằm gần sông Tigris, dẫn thẳng ra cây cầu nơi có những con thuyền để đi lại.  

Kinh thành al-Mansur có một mạng lưới các cây cầu, được cố định chắc chắn bằng dây chão vào hai bên bờ sông, tạo ra một trong những khung cảnh thú vị cho Baghdad xa xưa. Các cổng nhà nhô lên trên mỗi cổng thành ngoại.

Những ngôi nhà nằm trên cao hơn ở bức tường chính của kinh thành al-Mansur đóng vai trò chỉ huy, giám sát cả kinh thành và nhìn xa ra những khu vườn rợp mát bóng cọ, chà là và những cánh đồng xanh mát mắt nhờ dòng nước ngọt ngào, mát lành của sông Tigris. Đặc biệt căn nhà nằm trên đỉnh của cổng thành Khorasan  là nơi đặc biệt yêu thích của Quốc vương khi ngài thường có thói quen đến đây thư giãn để tránh tiết trời nóng nực vào buổi trưa. 

Có 4 con đường thẳng chạy thẳng về nội đô của kinh thành al-Mansur (từ các trường thành ngoại) và chúng liên kết với các hành lang vòm nơi có vô số chợ và cửa hiệu buôn bán. Những con đường nhỏ hơn lại chạy ra 4 đại lộ chính, từ đây rẽ ra các quảng trường và nhà cửa.

Nội thành Baghdad là một khu vực tường bao có diện tích khổng lồ - có lẽ có đường kính lên đến 1981m – với khu sinh sống của hoàng gia nằm ở chính giữa; khu bên ngoài là các cung điện nhỏ dành làm nơi sinh sống của con cái nhà vua, nhà ở cho quan lại và tùy tùng, bếp của nhà vua, kho chứa ngựa và các cơ quan của triều đình. 

Chính giữa kinh thành al-Mansur là sự hiện diện của 2 tòa nhà đẹp đẽ: Đại thánh đường Hồi giáo và Kim Môn Cung của nhà vua, là một nét biểu cảm Hồi giáo truyền thống, kết hợp ăn ý giữa tâm linh và quyền lực vua chúa.

Ngoại trừ hoàng đế al-Mansur, không ai có được đặc quyền đi vào chốn thiêng liêng này. Cung điện của vua al-Mansur là một tòa nhà đồ sộ, rộng tới 109.728m2, có một mái vòm nhà màu xanh lá cây cao tới 39,6m ngay bên trên căn phòng chính mà cách đó nhiều dặm đường vẫn có thể nhìn thấy. 

Khung cổng thành còn sót lại của trường thành từng bao bọc Baghdad xa xưa.
Khung cổng thành còn sót lại của trường thành từng bao bọc Baghdad xa xưa.

Hai lần bị tàn phá

Đại thánh đường của kinh thành al-Mansur chính là tòa thánh đường Hồi giáo đầu tiên ở Baghdad. Thánh đường này có nội thất rộng hơn 27.432m2, là nơi mà triều đình al-Mansur nhấn mạnh rằng thánh Allah đã truyền thông điệp, tuyên bố rằng quốc vương Abbasids là tùy tùng mạnh nhất và lừng lẫy nhất của Người trên trần thế. 

Vào khoảng năm 766, thành phố tròn al-Mansur về cơ bản xây dựng hoàn tất. Nhà phê bình kiêm nhà luận chiến và cũng là một bác học lỗi lạc sống vào thế kỷ thứ 9, al-Jahiz, đã không tiếc lời khen ngợi về thành phố tròn al-Mansur với những lời có cánh: “Hồi nào giờ, tôi chưa từng nhìn thấy một thành phố nào to lớn nhường ấy, gồm cả các kiến trúc bền vững, chắc chắn.

Tôi từng nhìn thấy những thành phố như thế ở Syria, trong lãnh thổ Byzantine hay các tỉnh thành khác, song thành thật mà nói, chưa từng nhìn thấy thành phố nào cao như ở đây, tròn hoàn hảo, nhiều cánh cổng rộng thênh thang và hệ thống phòng thủ vững chắc hơn Al Zawra (ám chỉ đến thành phố Abu Jafar al-Mansur”. 

Điều mà al-Jahiz có lẽ là ngưỡng mộ nhất là độ tròn của kinh thành: “Nó tròn đẹp đến nỗi cứ như ngỡ đúc từ trong khuôn vậy”. Những vết tích cuối cùng của thành phố tròn al-Mansur đã bị tàn phá vào thập niên 1870 khi Midhat Pasha - thống chế cải cách của chính quyền Ottoman - đã ra lệnh giật sập các bức tường kiêu hãnh của al-Mansur trong một hành động hiện đại hóa quá mức nhiệt thành. Kể từ đó, người Baghdad đã phát triển trên đống đổ nát của một nơi từng là thủ đô văn hóa kiêu hãnh của thế giới.

Chiếc cần cẩu nhấc bức tượng hoàng đế al-Mansur sau khi xảy ra một vụ nổ ở Baghdad vào năm 2005.
Chiếc cần cẩu nhấc bức tượng hoàng đế al-Mansur sau khi xảy ra một vụ nổ ở Baghdad vào năm 2005.

Sang thế kỷ 20, Baghdad còn gánh tiếp nỗi đau bị tàn phá thêm lần thứ hai dưới thời cầm quyền của Saddam Hussein (12 thế kỷ sau khi ra đời thành phố tròn al-Mansur). Dưới sự chiếm đóng của người Mỹ ở Baghdad vào năm 2003, nơi đây thậm chí còn bị biến thành Vùng Xanh được kiểm soát hết sức gắt gao, một khu vực rộng 6 dặm vuông thậm chí không đón chào người dân thủ đô Iraq.

Hôm nay, sau 12 năm, Vùng Xanh lại lần nữa mở cửa cho người dân Iraq. Nhưng lịch sử đẫm máu của thành phố này khiến người Iraq thậm chí còn không cất lên nổi tiếng ca ở đây. Baghdad vẫn sống, nhưng lại một lần nữa, bạo lực vẫn tiếp diễn ...

Đọc thêm