Tập đoàn VNPT - chủ mạng VinaPhone - được cho phép thử nghiệm thương mại 5G tại các băng tần 2.600MHz, 3.700-3.800MHz (C-Band), còn Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G trên băng tần 2.600MHz.
Theo đại diện của VNPT, để nhiều khách hàng có điều kiện trải nghiệm tốc độ vượt trội của 5G, VNPT sẽ triển khai vùng phủ sóng 5G liền mạch tại các quận trung tâm của Hà Nội và Hồ Chí Minh, bao gồm các địa điểm tập trung đông người, không gian công cộng.
Đặc biệt, cùng với việc phát sóng VinaPhone 5G thử nghiệm thương mại, VNPT cũng chuẩn bị các điểm trải nghiệm 5G phục vụ miễn phí cho khách hàng. Người dùng di động có thể đến các điểm trải nghiệm 5G của VNPT tại Hà Nội và Hồ Chí Minh để trải nghiệm công nghệ 5G với trên các mẫu điện thoại hỗ trợ 5G mới nhất cũng như các ứng dụng công nghệ hấp dẫn như AR/VR, điều khiển robot thông qua 5G với sự chính xác tuyệt đối. Với các người dùng có sẵn thiết bị hỗ trợ 5G, VNPT sẽ dành nhiều chính sách hấp dẫn để khách hàng chủ động trải nghiệm trong vùng phủ sóng.
Song song với việc chuẩn bị mạng lưới, VNPT cũng phối hợp với các nhà sản xuất điện thoại để thực hiện kiểm tra tích hợp các thiết bị đầu cuối 5G đang có mặt trên thị trường, nhằm bảo đảm tối ưu trải nghiệm của khách hàng với mạng VinaPhone 5G.
Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, công đoạn chuẩn bị cho việc thử nghiệm thương mại 5G đang trong giai đoạn cuối. Trong giai đoạn trước đó, VNPT đã thử nghiệm 5G tích hợp trên hệ thống mạng vô tuyến, truyền dẫn và mạng lõi hiện hữu do vậy quá trình chuẩn bị cho thử nghiệm thương mại rất thuận lợi.
Bên cạnh việc cung cấp mạng 5G tốc độ cao, VNPT còn hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ phong phú trên nền tảng mạng 5G, bao gồm các dịch vụ dữ liệụ di động băng thông rộng tăng cường như dịch vụ data tốc độ cao, video nội dung 4K/8K, FWA (ứng dụng truy cập vô tuyến cố định), video thực tế ảo VR và các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như điều khiển robot. Ngoài ra, VNPT tiếp tục phát triển các ứng dụng nền tảng chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Đây là minh chứng cho sự chuyển mình của VNPT, từ một đơn vị viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam.
|
Hiện MobiFone tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, truyền dẫn, khảo sát, đánh giá độ sạch băng tần 2600 MHz tại khu vực triển khai thử nghiệm. |
Trong khi đó, để chuẩn bị cho việc thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã thực hiện đàm phán, phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối về mạng 5G hàng đầu trên thế giới nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho trải nghiệm của khách hàng. MobiFone đang gấp rút triển khai các giải pháp, phương án kỹ thuật cho quá trình phát sóng thử nghiệm 5G thương mại.
Hiện MobiFone tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, truyền dẫn, khảo sát, đánh giá độ sạch băng tần 2600 MHz tại khu vực triển khai thử nghiệm, sẵn sàng triển khai tích hợp, phát sóng thử nghiệm thương mại 5G với quy mô 50 trạm tại TP. Hồ Chí Minh. Đối tượng tham gia sẽ là các thuê bao MobiFone sử dụng đầu cuối hỗ trợ 5G (không yêu cầu phải đổi SIM) trong vùng phủ sóng, tại các khu vực trung tâm, các điểm tập trung đông khách tham quan du lịch. Dự kiến, MobiFone sẽ triển khai trên nền tảng 5G các dịch vụ Internet tốc độ cao, như Video 4K, 8K, các Game thực tế ảo AR/VR - AI learning, IoT service…
Mục tiêu của việc thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại nhằm đánh giá năng lực mạng lưới MobiFone trước khi chính thức triển khai thương mại 5G trên diện rộng, cũng như đánh giá khả năng thương mại hóa các dịch vụ trên nền công nghệ 5G. Sự kiện này cũng sẽ nâng cao hình ảnh MobiFone trong vai trò một nhà mạng tiên phong, luôn dẫn đầu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ mới.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone, một mặt dồn lực cho phát sóng thương mại 5G, mặt khác vẫn luôn đảm bảo công tác đo kiểm, tối ưu hóa, đảm bảo chất lượng dịch vụ 2G/3G/4G MobiFone trên toàn quốc.
Việc sớm thương mại hóa 5G ngoài việc sẽ giúp Việt Nam mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, mà còn giúp giải bài toán về việc đưa Internet đến vùng sâu vùng xa cũng sẽ được giải quyết, khi tốc độ 5G có thể giúp thay thế Internet cáp quang.
5G là viết tắt của Fifth Generation (Thế hệ thứ năm), tên của tiêu chuẩn tiếp theo trong giao tiếp di động sau tiêu chuẩn LTE (4G) hiện tại, nối tiếp UMTS (3G) và GSM (2G).
Tốc độ của 5G nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G. Thử nghiệm trên mạng VNPT cho thấy, tốc độ download mạng 5G lên đến 2.2Gbps. Tốc độ vượt trội này sẽ cho phép người dùng xem video chất lượng cao 4K/8K, tương tác thực tế ảo (VR) hay video 360 livestreaming… Cùng với đó, độ trễ lý tưởng gần như bằng 0 của mạng 5G sẽ hiện thực hóa việc ứng dụng các công nghệ AI, IoT, điều khiển học như: xe tự lái, phẫu thuật từ xa, robotic…
Băng thông của mạng 5G cũng cho phép số lượng thiết bị cùng kết nối nhiều gấp 100 lần so với mạng 4G. Đây là điều kiện quan trọng để triển khai các ứng dụng IoT (Internet vạn vật) trong tương lai như Thành phố thông minh, công nghiệp ô tô….