Phát tài với chính sách “đổi đầu tư lấy hộ chiếu”

(PLO) - Ở châu Âu có một đảo quốc nhỏ bé dân số chỉ hơn 1 triệu nằm trên tuyến đường nối liền châu Á với châu Âu. Trong mấy năm qua, quốc gia nhỏ bé này đã nhờ thu hút đầu tư di dân, nay nói nôm na là bán quốc tịch mà kiếm được tới hơn 4 tỷ Euro, tạo nên bước thoát hiểm thần kỳ, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Quốc gia đó là Cộng hòa Sip (Cyprus).
2,5 triệu euro đầu tư vào Sip để đối lấy tấm hộ chiếu EU
2,5 triệu euro đầu tư vào Sip để đối lấy tấm hộ chiếu EU

Năm 2013, Công hòa Sip xuất hiện cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng. Vào năm 2010, khi nước láng giềng Hy Lạp sa vào suy thoái kinh tế, 2 ngân hàng lớn nhất Sip vẫn tràn đầy lạc quan, tin tưởng vào tương lai của Hy Lạp nên đã tích cực dốc tiền mua trái phiếu lãi suất cao của chính phủ nước này. 

Kết quả, hành vi mạo hiểm của họ đã bị trừng phạt đích đáng: năm 2012 riêng khoản lỗ của 2 ngân hàng này do đầu tư mua trái phiếu chính phủ Hy Lạp đã chiếm gần 30% GDP của  Sip, bằng hơn 80% tổng thu nhập tài chính của chính phủ trong cả năm 2011. Vì vậy, chính phủ Sip không thể cứu trợ cho ngành ngân hàng thua lỗ nặng nề, cách lựa chọn duy nhất là phải kêu gọi quốc tế cứu trợ.

Thu hút di dân kiếm tiền tỷ

Để cứu vớt nền kinh tế quốc gia, thu hút vốn nước ngoài, chính phủ Sip đã nghĩ ra biện pháp thu hút đầu tư di dân, đưa ra kế hoạch đầu tư gắn với quyền cư trú vĩnh viễn, hay còn gọi là “Chương trình Visa Vàng nước Sip” (Golden Visa Cyprus). So với chương trình di dân của các quốc gia khác, chính sách gắn đầu tư với quyền cư trú vĩnh viễn của Sip có đặc điểm nổi bật là thủ tục rất nhanh gọn, giá lại rẻ hơn nhiều.

Chương trình Visa Vàng của Sip gồm 2 bộ phận: Quyền công dân lâu dài và Công dân EU.

Muốn có quyền cư trú lâu dài ở Sip, những người nước ngoài chỉ cần thỏa mãn các điều kiện sau: đầu tư mua bất động sản từ 300 ngàn Euro trở lên (nhiều nhất 2 căn nhà); nhà mua phải là nhà mới; phải đến Sip ít nhất hai năm một lần; sau 2 tháng bỏ tiền đầu tư, người đầu tư đã có quyền công dân vĩnh viễn; cha mẹ, vợ chồng, con cái dưới 25 tuổi của người đầu tư cũng được hưởng quyền công dân vĩnh viễn.

Muốn có quyền công dân Liên minh châu Âu (EU), họ phải thỏa mãn các điều kiện sau: đã trở thành công dân Sip; đầu tư bất động sản trị giá 2 triệu Euro trở lên (nếu sau khi trở thành công dân Sip 3 năm mới xin cấp hộ chiếu châu Âu, thì khoản đầu tư được giảm xuống mức 500 ngàn euro); trong vòng 6 tháng sau khi đầu tư, người đầu tư được cấp quyền công dân EU; không cần phải cư trú tại Sip.

Sip là miền đất thu hút các cự phú nước ngoài muốn có hộ chiếu EU
Sip là miền đất thu hút các cự phú nước ngoài muốn có hộ chiếu EU

Trên thực tế, sau khi nhiều nước châu Âu xuất hiện khủng hoảng kinh tế, các nước Malta, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp đều đưa ra chính sách “bán hộ khẩu” để thu hút đầu tư; nhưng tốc độ phê duyệt của Sip nhanh nhất nên thu hút được nhiều người đầu tư nhất.

Số liệu thống kê cho chính phủ Sip công bố hồi tháng 5/2017 cho thấy, từ khi bắt đầu thực hiện chính sách “Visa Vàng” năm 2013 đến nay, Sip đã thu hút được 2000 nhà đầu tư ngoài châu Âu, mang đến cho Sip khoản vốn 4 tỷ Euro. Năm 2016, GDP cả nước Sip chỉ đạt 19,8 tỷ Euro. 8 tháng đầu năm nay đã có thêm 618 người nước ngoài đỏ tới mua bất động sản, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo Bưu điện nước Sip ngày 19/9 đưa tin, chương trình “Visa Vàng” đã thu hút được tổng cộng 5 tỷ Euro tiền vốn từ nước ngoài, trong đó 500 triệu Euro mua trái phiếu chính phủ, 700 triệu dùng vào việc sáp nhập các xí nghiệp ở địa phương, số còn lại chảy vào thị trường bất động sản.

Tranh cãi quanh việc Sip “buôn bán hộ chiếu châu Âu”

Nhận xét về những người được hưởng lợi từ chính sách gắn đầu tư với di dân của chính phủ Sip, có báo lo ngại trong số này có những phần tử tham nhũng, buôn lậu của Nga hay Ukraina. Theo số liệu do Cục thống kê EU công bố ngày 21/4/2017, năm 2015 chính phủ Sip đã cấp quốc tịch cho 3.322 người nước ngoài, trong đó 34,3% là người Nga, 8,8% người Anh, 8,0% người Hy Lạp…

Báo Anh “The Guardian” ngày 17/9 đưa tin họ có trong tay một bản danh sách cho thấy có nhiều cự phú người Nga và Ukraina nằm trong số những người bị Mỹ và EU trừng phạt nhưng đã có quốc tịch Sip; có điều những người này đã nhập tịch từ 2013 trở về trước.

Tháng 5 vừa qua, hàng Bloomberg đăng bài “Cộng hòa Sip bán hộ chiếu châu Âu, thu hút các nhà giàu Nga” trong đó nêu lên việc một cự phú Nga làm thế nào để chuyển tài sản tới Sip thông qua chương trình “Visa Vàng” rồi có được hộ chiếu EU. Thực ra, EU đã sớm chú ý đến hiện tượng này. Năm 2014, Nghị viện châu Âu đã thông qua một Nghị quyết, bày tỏ “Cấm coi tư cách công dân EU là thức hàng hóa để đem bán”.

Quy định của chương trình Visa Vàng
Quy định của chương trình Visa Vàng

Bản tin của Bloomberg gây nên sự chú ý của chính giới Sip, Ông Nicos Christodoulies, người phát ngôn của chính phủ Sip đã gửi thư cho Bloomberg, bày tỏ: kế hoạch gắn dầu tư với di dân của Sip tuyệt đối không phải là “nuôn bán hộ chiếu EU” và chỉ trích việc trong bản tin của Bloomberg nhiều lần sử dụng các cụm từ “buôn bán tư cách công dân EU” và “dùng hộ chiếu đổi lấy tiền”…

Người phát ngôn của chính phủ Sip giải thích thêm, muốn thông qua Sip để giành được tư cách công dân EU, người xin cần phải có quyền cư trú ở Sip, phải mua nhà; hơn nữa hạn ngạch đầu tư 2,5 triệu Euro không phải là ít, rất nhiều điều kiện đều trói chặt người đầu tư với Sip; đồng thời Sip cũng hạn chế số lượng cấp hộ chiếu EU chỉ mấy trăm người/năm.

Trước những nghi ngờ về số lượng hộ chiếu EU mà chính phủ Sip cấp cho người nước ngoài, ông Nicos Christodoulies trả lời: năm 2015 chỉ có 3.300 người được Síp cấp hộ chiếu EU, trong khi cùng năm các nước Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh đều đã cấp tới trên 100 ngàn chiếc. 

Thu tiền tỉ nhờ bán hộ chiếu EU

Mô hình “làm giàu với hộ chiếu” không chỉ có Sip biết, mà từ năm 2014, chính phủ Malta cũng đã mở ra một “nhịp cầu vàng” vào EU: Những ai đầu tư ít nhất một triệu Euro vào quốc đảo này có thể trở thành công dân của nước này, cho dù không cần sống ở đây.

Theo một bản danh sách mà Bộ Tư pháp Malta công bố gần đây, riêng trong năm 2015 có trên 900 người được nhận hộ chiếu Malta, trong đó có 201 người đi theo “Chương trình đầu tư riêng” (IIP). Tức là riêng năm 2015, Malta đã nhận được khoảng 200 triệu Euro với việc bán hộ chiếu.

Theo luật pháp Malta, hàng năm Bộ Tư pháp phải công bố tên của tất cả những người được nhập quốc tịch, nhưng danh sách được công bố cho thấy bộ này chẳng thích thú gì lắm với chuyện minh bạch. Mặc dù cũng được xếp theo vần chữ cái ABC… nhưng lại xếp theo tên gọi chứ không phải theo họ. Nếu không mất công tìm hiểu thì người ta không thể biết được, ví dụ như cả gia đình đã xin nhập quốc tịch. Chính phủ cũng lờ đi, không công bố nước xuất xứ của những công dân mới.

Malta, quốc đảo nhỏ bé làm giàu nhờ bán hộ chiếu EU
Malta, quốc đảo nhỏ bé làm giàu nhờ bán hộ chiếu EU

Theo luật của EU, khi trở thành công dân một quốc gia trong EU, người đó có thể đi lại tự do, được phép ở và làm việc ở tất cả các nước EU. Khi Chính phủ Malta công bố IIP, Chính phủ các nước EU khác đã lên án kế hoạch này và Nghị viện châu Âu đã ra Nghị quyết nhấn mạnh rằng “không được phép bán quốc tịch trong EU bằng bất cứ giá nào”.

Hầu hết những người đăng ký xin quốc tịch Malta theo hình thức đầu tư đến từ Nga, Trung Quốc, vùng Cận Đông và Đông Nam Á. Riêng trong năm 2015, năm thứ hai thực hiện chương trình này đã có 578 người xin nhập quốc tịch theo hình thức đầu tư, như vậy tổng số 1800 hộ chiếu mà Malta muốn bán theo chương trình này chẳng mấy chốc mà hết, mang lại cho Malta hàng tỉ Euro tiền đầu tư. Tính theo tỉ lệ, số người muốn nhập quốc tịch Malta như vậy là lớn, bởi dân số nước này chưa tới nửa triệu người vào năm 2015…/.

Đọc thêm