Tháng 10/2011, trên chuyến bay của Vietnam Airlines, một đoàn Phật tử Hà Nội mang theo 15 cây Phật thủ thành tâm cung tiến để trồng tại thánh tích Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ), nơi khởi nguồn của đạo Phật. Thượng tọa Manor - Trụ trì Bồ đề Đạo tràng - hoan hỉ đón nhận và vui mừng hơn khi được biết, chính cây Phật thủ đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Đắc Sở ( Hoài Đức, Hà Nội).
|
Về Đắc Sở những ngày cuối năm, ai cũng bị hút hồn, ngây ngất với bạt ngàn màu xanh và vị thơm mát dịu nhẹ đến tinh khiết của Phật thủ. Xuống bãi, vườn nhà nào cũng trĩu chịt quả. May mắn, chúng tôi được gặp anh Nguyễn Đình Lê, người đầu tiên có công mang cây Phật thủ về địa phương, khi anh đang chăm chú tỉa bớt gai cho quả không bị xước.
Anh cho biết, năm 2001, khi đi bộ đội tại vùng Tây Bắc, thấy cây Phật thủ mọc bên suối nên đã mang về quê trồng thử. Không ngờ, cây lại rất hợp với vùng đất bãi của Đắc Sở và sau thành công của anh Lê, nhiều người trong xã đã trồng theo.
Ông Nguyễn Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Đắc Sở - phấn khởi cho biết, đến nay toàn xã đã có hơn 500 hộ trồng Phật thủ trên diện tích hơn 70 ha. Hộ trồng ít nhất cũng 1 sào, hộ nhiều nhất tới 5 mẫu.
Phật thủ được trồng chủ yếu ngoài bãi, thu hoạch quanh năm nhưng người dân tập trung làm quả vụ Tết để phục vụ nhu cầu thờ cúng của các gia đình. Đời sống tâm linh của người dân ngày phát triển nên thị trường tiêu thụ của Phật thủ cũng mở rộng ra trong cả nước. Ngày rằm, mùng một, Phật thủ được bán với giá từ 50.000 đồng/quả.
Vào dịp Tết giá bán dao động từ 100 – 500.000 đồng/quả, quả đẹp thì trên 1 triệu đồng. Tết năm 2011, quả Phật thủ đặc biệt nhất được khách hàng mua tới 6,7 triệu đồng ngay tại vườn. Còn những quả xấu, thải loại thì được người dân thái lát, sấy khô bán cho phố Thuốc Bắc và để xuất khẩu với giá khoảng 300.000 đồng/kg. Quả tươi hay quả sấy khô đều được các thương lái về tận xã cất buôn, và chính vì vậy, quả Phật thủ chưa bao giờ ế.
Theo ông Bằng, xã đã đưa Phật thủ trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, bởi thu nhập hàng năm do Phật thủ đem lại đã đạt 500 triệu đồng/1ha, cao gấp hàng trăm lần cấy lúa. Cả xã hiện có hàng chục hộ gia đình thu nhập 300- 400 triệu từ Phật thủ, hơn 10 hộ có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2011, xã này có 8 hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.
Lão nông Tạ Văn Tuấn ở thôn Đông Hạ chính là người trồng Phật thủ nhiều nhất xã với 5 mẫu đất. Hồi trẻ, ông làm đủ nghề, đi khắp thiên hạ nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Năm 2005, ông Tuấn vay mọi người được 10 triệu để mua cây giống và làm giàn trồng Phật thủ và năm 2007, ông thu được 12 triệu đồng trong vụ đầu tay. Phấn chấn với thành công, những năm sau đó ông Tuấn liên tục mở rộng diện tích, khi đất bãi hết ông đi thuê thêm.
Từ năm 2009 đến nay, năm nào gia đình ông cũng thu được gần 1 tỷ đồng từ Phật thủ. Vụ Tết này, ông Tuấn dự tính cũng sẽ thu được bạc tỷ. Ông đã cưới được vợ, xây nhà khang trang cho 2 con trai đầu, con trai út của ông dự kiến cưới nốt trong đầu năm tới. “Chính nhờ cây Phật thủ mà nhà tôi từ nghèo khó đã trở nên giàu có, có 3 con trai nhưng không còn là “tam nam bất phú nữa”- ông Tuấn hoan hỷ.
Khi được hỏi thế nào là một quả Phật thủ đẹp, ông Tuấn cho biết quả đẹp cần to và cân đối. Quả phải có nhiều ngón, ngón dài và tạo thành các vòng tròn tương xứng; các ngón của vòng ngoài cùng trùng với các số đẹp thì thường rất được khách hàng ưa chuộng, bán được giá cao. Theo ông, giá Phật thủ nghe qua có vẻ thấy đắt nhưng thật ra không đắt vì quả thờ được tới 2-3 tháng, không bao giờ bị hỏng và khi khô quắt lại làm vị thuốc được.
|
Ông Nguyễn Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức - cho biết, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây Phật thủ sang các xã lân cận có vùng đất bãi phù hợp, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Hoài Đức coi Phật thủ là một loại cây đặc biệt, bởi ngoài giá trị kinh tế, còn mang ý nghĩa tâm linh, mang lại an lành, phúc lộc cho mọi nhà.
Quả và hoa Phật thủ đều có thể dùng làm thuốc. Quả Phật thủ không những có thể dùng làm thuốc, làm mứt mà còn là thứ quả đẹp dùng trong trang trí, trưng bày. Quả, hoa và lá Phật thủ đều chứa tinh dầu, có thể chưng cất thành hương liệu cho thuốc lá cao cấp, hương liệu chè và nước hoa.
Theo Đông y, Phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng điều hòa khí và trung tiêu, thư can, chống nôn, thường được dùng điều trị các chứng can vị không điều hòa, khí trệ, dạ dày đau, khó chịu trong ngực bụng, kém ăn, nôn mửa...
Trong lâm sàng, Đông y thường dùng Phật thủ phối hợp với thanh bì, xuyến luyện tử để chữa can khí uất kết dẫn đến đau vùng dạ dày; phối hợp với trúc như, hoàng cầm trị nôn mửa khi thai nghén; phối hợp với giáng hương, trầm hương, kê nội kim chữa chứng nôn ợ, làm dễ tiêu, điều hòa chức năng dạ dày...
Y học hiện đại qua nghiên cứu đã cho thấy, Phật thủ chứa nhiều vi-ta-min C, đường, a-xit hữu cơ, dầu chanh, glu-cô-xít, dùng làm thuốc thơm điều hòa khí, bồi bổ dạ dày, có công hiệu giảm đau, hòa khí, làm dễ tiêu, tan đờm, khỏe tì vị, giảm ho, giúp dễ chịu trong ngực, chữa nôn, giã rượu... Ngoài ra, hoa Phật thủ cũng là vị thuốc Đông y rất tốt, tính ấm, vị hơi đắng, có tác dụng lợi tì vị, trị nôn và các chứng bệnh như quả Phật thủ.
Đức Trường