Tổ chức bị phạt gấp đôi cá nhân
Theo đó, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. Mức phạt tiền tối đa được quy định như sau: Đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; Đối với lĩnh vực đê điều là 100 triệu đồng; Đối với lĩnh vực thủy lợi là 250 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đáng lưu ý, khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Điều 36 Nghị định này thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Phạt nặng đối với các hành vi vi phạm
Trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi tự ý vận hành hoặc cản trở sự vận hành của công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai.
Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi neo đậu, dừng, đỗ không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai trừ trường hợp đã được quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định này. Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi cố ý sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống thiên tai.
Đối với vi phạm quy định trong triển khai ứng phó với thiên tai, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trừ quy định khác.
Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có thiên tai.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của người có thẩm quyền đối với chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá.
Trong lĩnh vực thủy lợi, sẽ phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi trồng rau, cắm đăng đó, chất chà và các hình thức đánh bắt khác gây cản trở dòng chảy. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi ngâm tre, luồng, nứa, lá, gỗ hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy.
Đặc biệt, sẽ phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi; Xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về việc sử dụng phương tiện giao thông đi trên công trình thủy lợi, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.