Phát triển bền vững và hội nhập quốc tế: Cần giải pháp mới, quyết liệt trong cải cách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần” thể chế, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn.
Cần có giải pháp mới, quyết liệt hơn nữa để tạo ra đột phá.
Cần có giải pháp mới, quyết liệt hơn nữa để tạo ra đột phá.

Kiên trì những cải cách trọng tâm, dài hơi và thực chất

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025” do CIEM và Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức cuối tuần qua, Viện trưởng CIEM, TS Trần Thị Hồng Minh nhận định, bối cảnh kinh tế trong năm 2021 không hề dễ dàng đối với Việt Nam.

“Đây là năm thứ hai chúng ta phải đối phó với dịch COVID-19, nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp. Những cụm từ như “lúng túng”, “chưa từng có tiền lệ” không phải là hiếm thấy”- bà Minh nhận định.

Viện trưởng CIEM cũng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính GDP năm 2021 ở mức từ 2,0- 2,5% (thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố tháng 8/2021). Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo ở mức cao hơn là 3,78%.

“Dự báo, kỳ vọng về tăng trưởng vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ có ý nghĩa hơn nếu đi kèm với tính bền vững, ít nhất là trong vòng 5 năm tới”- bà Minh nói. Viện trưởng CIEM cũng đặc biệt lưu ý, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần” thể chế, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và DN vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số biện pháp hỗ trợ DN và nền kinh tế như miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ DN; hay một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vừa đi vào thực hiện đã phải sửa đổi.

“Trong bối cảnh ấy, tư duy về đổi mới quốc gia theo hướng hiện đại lại càng cần thiết, để hỗ trợ cho cải cách, giúp chúng ta tránh được tình trạng làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng…”- Viện trưởng CIEM khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, xác định và kiên trì thực hiện những cải cách đủ trọng tâm, đủ dài hơi và đủ thực chất chính là nguyên tắc xuyên suốt trong mọi chính sách quản lý điều hành.

Không quyết tâm sẽ tụt hậu

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi cho rằng công tác thiết kế chính sách của chúng ta chưa ổn, chưa đủ minh bạch để thống nhất cách hiểu và thực hiện chính sách nhất quán ở mọi nơi, mọi cấp. Và việc địa phương thực hiện theo cách hiểu khác nhau là do lỗi của thiết kế chính sách.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định, chất lượng văn bản pháp luật chưa cao, tính nhất quán còn thấp, sức sống và sức bền của chính sách cũng là điểm yếu. Việc hướng dẫn chậm, trong khi thực thi chưa hiệu quả cũng là điểm nghẽn cần xử lý trong thời gian tới. “Nếu không quyết tâm cải cách quyết liệt, chúng ta sẽ bị tụt hậu”- chuyên gia này thẳng thắn.

Đồng tình với đánh giá COVID-19 mang đến những thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội, PGS. TS. Lê Xuân Bá nêu quan điểm cần xem lại các giải pháp đang thực hiện, kiểm tra xem vướng ở đâu, để tiếp tục tháo gỡ. Chuyên gia này cũng ủng hộ đẩy mạnh đầu tư công, nhưng nhấn mạnh rằng, không được đẩy mạnh bằng mọi giá mà trước hết hãy cố gắng làm tốt những cái mà chúng ta đang làm.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng các đầu mục cho cải cách chúng ta đã có trong những năm gần đây. Quan trọng là thực thi và thực hiện thế nào. Chuyên gia này đề xuất: Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đang làm; Thứ hai, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Thứ ba là phải đột phá trong tư duy và cách thức thực hiện.

“Quan trọng là phải thay đổi tư duy. Chúng ta không nên chỉ bó mình trong tư duy cũ, phải bỏ qua tư duy cũ. Chúng ta không thể nói là mình chỉ có thế, nếu chỉ có thế thì không đột phá”- Vị chuyên gia này thẳng thắn.

Theo Viện trưởng CIEM- TS. Trần Thị Hồng Minh, thời gian tới, việc cần thiết là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ để tạo ra sức mạnh mới cho nền kinh tế. Đồng thời cần tư duy theo hướng mở rộng không gian kinh tế gắn liền với quy hoạch, liên kết vùng, tiến trình xây dựng thể chế liên kết vùng cần khắc phục được khó khăn về quy hoạch, mở rộng cơ hội phát triển.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, xu thế hiện nay là phục hồi xanh. Song vấn đề cần bàn thảo là chờ phục hồi xong mới chuyển sang tăng trưởng xanh hay gắn chuyển dịch sang tăng trưởng xanh với tiến trình phục hồi?

Nhấn mạnh việc vô cùng quan trọng hiện nay giữa 2 Chính phủ Úc và Việt Nam là giúp nhau phục hồi sau dịch bệnh, Thư ký thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam ông Aedan Puleston lưu ý, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, tiếp tục phát triển. Trong đó, cần chú trọng vào phát triển nền kinh tế số, chuyển đổi số…

Đọc thêm