Vì sao giá thịt lợn không chịu giảm?
Hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn” được tổ chức sau hơn 1 tháng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị với 15 DN chăn nuôi lớn để cam kết đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70 nghìn đồng/kg từ 1/4/2020. Tại Hội nghị này, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra lộ trình giảm giá lợn hơi, trước mắt, đưa giá từ 75 nghìn đồng/kg xuống mức 70 nghìn; và đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù 15 DN chăn nuôi lợn quy mô lớn cam kết đưa giá lợn hơi về mốc 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 nhưng các DN này chỉ chiếm 35% thị phần lợn thịt. Trong khi đó, 65% thị phần còn lại nằm ở các DN nhỏ, trang trại, hộ nông dân nhưng chưa đồng bộ xuống giá.
“Vì vậy, các biện pháp bình ổn trong thời gian qua chưa đủ sức để kéo giá lợn xuống 70.000 đồng/kg. Một số DN chăn nuôi lợn quy mô lớn cũng không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên càng thiếu nguồn cung, làm tăng giá thịt…”- Thứ trưởng cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ giữa tháng 4/2020, giá lợn lại có xu hướng tăng đến 70.000-80.000 đồng/kg hơi. Những ngày gần đây, giá ổn định ở mức cao trên dưới 80.000 đồng/kg.
Giải thích về nguyên nhân tăng giá, Thứ trưởng Tiến cho rằng có nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân các DN chăn nuôi quy mô lớn chưa đủ sức chi phối thị trường thì nguyên nhân đầu tiên phải kể đế là do cung cầu mất cân đối, do dịch bệnh tả lợn Châu Phi (DTLCP) dẫn đến nguồn cung giảm mạnh. Báo cáo của các địa phương cho thấy, đến hết tháng 2 năm nay, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, chỉ tương đương 74% so với tổng đàn lợn trước khi có DTLCP.
Tuy nhiên một nguyên nhân khiến cả người chăn nuôi và tiêu dùng bức xúc là khâu trung gian. Theo Thứ trưởng Tiến, lợn xuất chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian đã làm giá tăng khoảng 43%. Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng… Đồng thời, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng quá cao nên vẫn có hiện tượng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt qua biên giới.
Tái đàn và bài toán an toàn
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, vào đầu năm 2019, DTLCP xâm nhiễm, dù đã quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó từ rất sớm, nhưng sau 4 tháng, dịch đã lan ra toàn quốc. Đỉnh điểm rơi vào tháng 5/2019 đến mức hầu như tất cả các xã đều bị với 1.270.000 con phải tiêu hủy.
Sau khi qua đỉnh dịch, hầu như 99% số xã qua 30 ngày không phát sinh dịch, các địa phương đẩy mạnh công tác tái đàn. Kết quả, 4 tháng đầu năm 2020 đã phục hồi được 80% tổng đàn so với trước lúc xảy ra DTLCP.
Tuy nhiên, tổng lượng vẫn đang thiếu, trong khi đó việc thay đổi thói quen ăn thịt lợn không phải “một sớm một chiều” trong rổ thực phẩm hiện nay khi có đến 65%-70% là thịt lợn. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Cường, hiện giờ quy luật cung cầu phải thúc đẩy nhanh. “Nếu không thúc đẩy nhanh bền vững thì nguy cơ mất ngành hàng ngày một gấp" – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Quan điểm của Bộ NN&PTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn. |
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng, bài học rút ra trong quá trình phòng, chống DTLCP đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nếu làm tốt công tác an toàn sinh học dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý, khắc phục để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Bộ trưởng lưu ý, hiện các địa phương đang được khuyến khích tăng đàn, tái đàn, song quan điểm của Bộ NN&PTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn, bởi thực tế mầm bệnh DTLCP vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại rất lớn.
“Nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành chăn nuôi lợn. Chắc chắn không thể để giá lợn cao mãi như này được, sẽ phải có nhiều giải pháp để điều hành, trong đó có những giải pháp khi áp dụng rồi sau này không bao giờ rút lại được. Do đó, ngoài 15 DN nòng cốt chiếm khoảng 35% thị phần rất cần sự vào cuộc, chung tay của các trang trại, gia trại, chăn nuôi lợn nông hộ…"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi.