Phát triển cơ sở chăm sóc người cao tuổi: An sinh để xã hội an tâm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh tại Việt Nam, nhiều vấn đề nảy sinh xoay quanh việc chăm sóc, tạo dựng một môi trường an toàn, tốt đẹp để người cao tuổi có thể yên tâm thụ hưởng sau những năm tháng dài lao động.
Người cao tuổi cần được thụ hưởng sự chăm sóc về vật chất, sức khỏe, tinh thần sau quãng đời cống hiến và lao động. (Ảnh minh họa - Nguồn: VGP)
Người cao tuổi cần được thụ hưởng sự chăm sóc về vật chất, sức khỏe, tinh thần sau quãng đời cống hiến và lao động. (Ảnh minh họa - Nguồn: VGP)

Những mối lo thường trực

Hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo thống kê, năm 2023, quy mô dân số Việt Nam là khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi. Dự báo đến năm 2050, con số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm hơn 37% tổng dân số. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Sự già hóa nhanh chóng này đặt toàn xã hội trước một mối lo lớn, đó là làm sao để bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm được đời sống an lành, tốt đẹp cho người cao tuổi? Đặc biệt khi xã hội chúng ta hiện nay ở giai đoạn đang phát triển, mới thoát ra khỏi những khó khăn về mặt kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần có nhiều chuyển biến lớn lao. Một số người cho rằng hướng đến đời sống ở viện dưỡng lão là thuận lợi và văn minh, đồng thời không ít luồng ý kiến phản ứng, cho rằng việc con cái để cha mẹ vào viện dưỡng lão là “bất hiếu”, phó mặc cha mẹ lúc tuổi già.

Chị Nguyễn Thị Hảo Nhiên, 40 tuổi, ngụ khu Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên: “Hiện nay bố mẹ tôi bước qua tuổi 70, cụ ông còn minh mẫn, nhưng cụ bà thì sức khỏe đã yếu đi nhiều vì bệnh đau khớp. Gia đình tôi neo người, em gái thì lấy chồng nước ngoài, chỉ có vợ chồng tôi đứng ra chăm sóc bố mẹ. Tuy nhiên, bố chồng tôi sắp 80, sức khỏe suy giảm, ở quê không đủ điều kiện nên chồng tôi cũng muốn đưa bố ra thành phố lớn để tiện việc chăm sóc, điều trị. Như vậy, vợ chồng tôi ngoài hai con phải chăm sóc, thì đối mặt với việc chăm lo cho 3 người già. Nếu tự tay thì chúng tôi không lo xuể, mà đưa các cụ vào viện dưỡng lão thì rào cản là tâm lý các cụ, điều tiếng từ dòng họ và bản thân vợ chồng tôi cũng không yên tâm”.

Thực tế, hiện nay rất nhiều gia đình đứng trước những hoàn cảnh tương tự như chị Nhiên, gia đình ít người, cha mẹ già yếu, bệnh tật, có những người bệnh mãn tính, trong khi đó phải bận rộn mưu sinh, lo lắng con cái, nên không biết làm sao để chăm lo cho cha mẹ già toàn tâm, toàn ý được.

Cần môi trường sống an vui

Tại các nước phát triển, đặc biệt là Âu - Mỹ thì vào viện dưỡng lão lúc tuổi già là một lựa chọn được ưu tiên. Đối với các quốc gia châu Á thì vấn đề này cũng gây ra một số lăn tăn liên quan đến quan niệm xã hội về “báo hiếu”. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Á trong thập kỉ qua cũng đã phải thay đổi quan niệm khi tốc độ già hóa tăng nhanh. Như Nhật Bản giờ đây mối lo lớn nhất của nhiều người cao tuổi là phải đối mặt với “cái chết cô độc”, vì thế, viện dưỡng lão là một giải pháp khá hoàn hảo để họ có được sự chăm sóc tốt nhất.

Tại Việt Nam, những năm qua, tuy đã cởi mở hơn trong vấn đề “vào viện dưỡng lão”, nhưng thực tế khá nhiều người trong xã hội vẫn còn một số trăn trở, vướng mắc giữa quan niệm xã hội mới và cũ. Cạnh đó, một yếu tố quan trọng không kém góp phần khiến tư tưởng chưa thay đổi được, đó là hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi của chúng ta chưa phát triển xứng với nhu cầu.

Theo thống kê tháng 12/2020, nước ta hiện có khoảng 80 trung tâm dưỡng lão ngoài công lập và chỉ 32/63 tỉnh, thành có cơ sở chuyên biệt dành cho người cao tuổi. Trong đó, tại Hà Nội có gần 20 nhà dưỡng lão tư nhân, TP Hồ Chí Minh ít hơn với chưa đến 10 cơ sở. Nếu chia đều cho các tỉnh, thành, có thể thấy số viện dưỡng lão không đạt mức bình quân mỗi tỉnh, thành một trung tâm.

Điều đáng nói là phần lớn các cơ sở này chỉ đáp ứng tối thiểu dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Một trở ngại nữa là phần lớn các trung tâm chi phí cao hơn nhiều so với khả năng tài chính của đại đa số người dân. Vì thế, việc người dân chưa thực sự yên tâm khi “trao gửi” những ngày tháng cuối đời vào dịch vụ dưỡng lão là điều dễ hiểu.

Một cuộc khảo sát do các công ty nghiên cứu thị trường thực hiện cách đây không lâu dựa trên các yếu tố như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính thì kết quả cho thấy, 85% người Việt Nam mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già. Với nhiều người hiện nay, nhu cầu gắn bó, chung sống với con cái khi về già, chịu sự chăm sóc của con cái đã dần thay đổi bằng mong muốn có được cuộc sống chất lượng, ổn định, được bảo đảm về cơ sở vật chất về y tế. Điều quan trọng giờ đây là sự phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi sao cho xứng tầm, là việc phát triển an sinh, xã hội sao cho người cao tuổi có được sự yên tâm hoàn toàn khi đến tuổi được “nghỉ hưu” sau cả quãng đời cống hiến và lao động.

Đọc thêm