Phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội từ góc độ sinh thái và xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sáng 29/5, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm chuyên đề “Tiếp cận sinh thái và xã hội trong việc thúc đẩy đô thị bền vững và dung hợp: Sự tham gia của các bên liên quan từ kinh nghiệm ở Hà Nội”.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Sabina Stein, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn cũng như các tổ chức cộng đồng đã có nhiều sáng kiến và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển thành phố bền vững về môi trường và dung hợp về xã hội. Việc cải tạo vùng bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng là cơ hội để Hà Nội có thêm không gian xanh đô thị cho người dân Hà Nội.

Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đã thực hiện nghiên cứu khảo sát môi trường và sử dụng không gian bờ vở sông Hồng khu vực thuộc phường Phúc Tân và phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) với sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Nam từ nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.

Bà Sabina Stein, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.(Ảnh: H.Giang)

Bà Sabina Stein, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.(Ảnh: H.Giang)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tình hình môi trường khu vực bờ vở đang ở mức ô nhiễm nghiêm trọng với khối lượng lớn chất thải rắn tích tụ chồng chất qua nhiều năm cùng nhiều cống xả nước thải lộ thiên, chưa được xử lý, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của đa số người dân và cần có giải pháp cải thiện.

Theo kết quả phỏng vấn 308 người dân trên địa bàn khảo sát, có tới 59% cho biết họ bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm đến từ chất thải, 21% bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm từ nước thải và 25% bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm từ khí thải. Chất thải rắn, chất thải nhựa, và nước thải sinh hoạt không được xử lý cũng là những nguyên nhân chính khiến diện tích xanh lớn ở sát trung tâm thành phố Hà Nội chưa được tận dụng cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng không gian công cộng của người dân khu vực bờ vở sông Hồng là rất lớn và đa dạng. Có tới 82% số người được khảo sát cho biết không gian công cộng rất quan trọng đối với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng công trình công cộng tại khu vực đang rất hạn chế, nhỏ hẹp và khó tiếp cận, đặc biệt đối với các nhóm đối tượng người già, người khuyết tật, người có sức khoẻ yếu.

ThS. Lê Quang Bình, Điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống mong rằng buổi tọa đàm sẽ đưa ra những kết quả tích cực đến cộng đồng. (Ảnh: H.Giang)

ThS. Lê Quang Bình, Điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống mong rằng buổi tọa đàm sẽ đưa ra những kết quả tích cực đến cộng đồng. (Ảnh: H.Giang)

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu khảo sát, ông Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội Đáng Sống cho biết: “Nghiên cứu này được thực hiện nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan hơn về cách quản lý môi trường thông qua cải tạo không gian với sự tham gia của cộng đồng. Nghiên cứu này cũng là một thực hành dung hợp xã hội khi có sự tham gia của cơ quan quản lý địa phương, người dân, sinh viên, giảng viên, chuyên gia các ngành như quy hoạch, sinh thái, môi trường, xã hội. Điều này đảm bảo kết quả khảo sát tích hợp được nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó đưa ra giải pháp triệt để và dung hợp hơn.”

Các chuyên gia, khách mời cùng trao về vấn đề tiếp cận sinh thái và dung hợp tại Toạ đàm. (Ảnh: H.Giang)

Các chuyên gia, khách mời cùng trao về vấn đề tiếp cận sinh thái và dung hợp tại Toạ đàm. (Ảnh: H.Giang)

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị về quản lý môi trường và cải tạo không gian xanh nhằm bảo tồn sinh thái, tăng diện tích không gian công cộng cho người dân. Các giải pháp được đưa ra dựa trên một số kinh nghiệm quốc tế về không gian công cộng, kết hợp với các yếu tố đặc thù của khu vực bờ vở, cũng như hành lang pháp lý và chiến lược phát triển sông Hồng của thành phố Hà Nội.