Phát triển đô thị theo định hướng giao thông: Hà Nội sẽ hóa giải những 'nút thắt' kìm hãm sự phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được cho là sẽ giúp huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, từ đó tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông của TP Hà Nội.
Hà Nội từng bước đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng giao thông đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN)
Hà Nội từng bước đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng giao thông đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN)

Tìm giải pháp phát triển đồng bộ vận tải hành khách công cộng

Theo thống kê, Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô tô các loại), chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông tại Thủ đô. Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến quá tải và ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Hậu quả gây ra là mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp cốt lõi để giảm phương tiện giao thông cá nhân là phát triển vận tải hành khách công cộng một cách đồng bộ. Theo Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội có 20 đô thị các loại. Để kết nối các đô thị, TP Hà Nội cần có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là nguồn lực. Theo tính toán, để phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần hơn 888.623 tỷ đồng. Hiện tại, chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị đang vận hành khai thác là tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, 4 tuyến đã có cam kết về thu xếp vốn còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và chưa có kế hoạch về nguồn vốn. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, tổng giá trị vốn đầu tư dự kiến để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 là khoảng 321.484 tỷ đồng.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ở Kỳ họp thứ 5, diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) cho biết, tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035. Tuy nhiên, với cách thức và thực trạng triển khai hiện nay, theo Đại biểu, việc hoàn thành gần 600km đường sắt đô thị còn lại, trong đó Thủ đô 400km và TP Hồ Chí Minh gần 200km trong vòng 12 năm tới là khó khả thi, “nếu không muốn nói là bất khả thi về triển khai thực hiện cũng như huy động nguồn lực”.

TOD - giải quyết “bài toán khó” cho giao thông đô thị

Từ kinh nghiệm thế giới, để giải quyết vấn đề nêu trên, Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn và phát triển đô thị bền vững, kết hợp giữa vai trò chủ đạo của Nhà nước với nguồn lực, sự sáng tạo khu vực tư nhân để tạo sức sống cho giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển. “Việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư tuyến đường sắt đô thị hiện nay là rất cần thiết. TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết “bài toán khó” giao thông đô thị cho cả 2 TP”, Đại biểu nêu quan điểm.

Các chuyên gia cho rằng, cần có quy định về thực hiện các dự án TOD nhằm mục tiêu huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông của TP Hà Nội.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ sẽ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Trong đó, để có thể có thêm nguồn vốn để đầu tư cho các tuyến đường sắt còn lại, một giải pháp chính sách của dự thảo Luật là triển khai các dự án TOD. Dự thảo Luật quy định dự án TOD là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được sẽ đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.

Tùy theo điều kiện phát triển của từng dự án TOD mà các dự án TOD sẽ xác định đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị là dự án theo phương thức đầu tư công hay dự án theo phương thức hợp tác đối tác công - tư (PPP), như BOT hay BT. Các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại, hay khu công nghiệp ở xung quanh khu vực nhà ga sẽ được xác định theo phương thức đấu thầu hoặc đấu giá lựa chọn nhà đầu tư tuỳ theo điều kiện về khả năng giải phóng mặt bằng, điều kiện kỹ thuật khi thực hiện dự án...

  • Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng: Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa

Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa thông qua phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng, động lực cho sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, như hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc; hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng. (Ảnh: PV)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng. (Ảnh: PV)

Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bổ sung một số quy định nhằm ưu tiên, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Trong đó, quy định đầu tư mới vào một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa thuộc danh mục dự án ưu đãi đầu tư...

Để huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, dự thảo Luật cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực văn hóa thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có nhiều công trình do Nhà nước quản lý trong các lĩnh vực văn hóa đã xuống cấp cần được đầu tư nâng cấp sửa chữa; nhiều dự án, công trình văn hóa chưa được đầu tư mới, trong khi Luật PPP không quy định cho phép áp dụng trong lĩnh vực văn hóa.

  • Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội): Những thành phố lớn phải phát triển theo mô hình TOD

Về giải pháp chính sách được nêu trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các dự án TOD, chúng ta thấy rằng, TP Hà Nội hiện có rất nhiều khu đô thị xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, những khu đô thị phát triển mở rộng nhưng không mang lại hiệu quả trong khai thác đất đai, còn tình trạng đất hoang, đô thị chậm phát triển... Nguyên nhân là do không có một hệ thống giao thông đồng bộ. Trong khi đó, TOD thực chất là phát triển đô thị dựa trên cơ sở của hệ thống giao thông dẫn dắt, tức là phát triển giao thông sẽ dẫn dắt đến điều kiện để tạo ra phát triển đô thị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. (Ảnh: PV)

Đại biểu Hoàng Văn Cường. (Ảnh: PV)

TOD chính là tạo ra một quần thể đô thị có khả năng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân tại điểm đó. Như vậy, rõ ràng mô hình này sẽ tạo ra hiệu quả rất cao cho đầu tư hạ tầng, sử dụng đất đai và đặc biệt là tạo ra không gian phát triển cũng như môi trường sống cho người dân ở vùng đó.

Phát triển đô thị phải gắn liền với hiệu quả, tạo ra việc làm, tạo ra dịch vụ… đồng bộ. Tôi cho rằng, TOD là mô hình giải quyết được vấn đề đó. Những vùng đô thị phát triển, những TP lớn thì phải phát triển theo mô hình TOD thì mới giải quyết được những vấn đề của đô thị hiện nay như giao thông không đồng bộ, chỗ ở không có các khu dịch vụ, không có hạ tầng, không có việc làm…

Đọc thêm