Phát triển hài hòa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Đầu tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét. Liên tục trong hai ngày 11 và 12/8, Thủ tướng tiếp tục đi khảo sát thực tế và có cuộc làm việc chuyên đề về sụt lún, sạt lở, ngập úng tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ảnh minh họa (Ảnh:Chinhphu.vn).
Ảnh minh họa (Ảnh:Chinhphu.vn).

Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, tài sản Nhà nước và nhân dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Theo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, từ 2016 đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở, cả bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 1.134km.

Bồi và lở là chuyện của dòng sông, nhưng điều đáng phải lo ngại là, trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha; thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha. Đồng thời, xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn (do ảnh hưởng của triều cường mạnh).

Trước tình hình này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL; Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Chính phủ đã xác định những giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Trung ương và địa phương đã quan tâm đầu tư khắc phục hậu quả do sạt lở.

Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển có nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không thể không nói đến nguyên nhân chủ quan. Đó là tác động từ các hoạt động kinh tế - xã hội tại vùng thượng nguồn và nội vùng ĐBSCL. Các nhà khoa học từng chỉ ra nguyên nhân về xây dựng thiếu quy hoạch, về khai thác cát, sỏi, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn bị thu hẹp... Nguyên nhân này tiếp tục cảnh báo; tuy nhiên vẫn phải tiếp tục có câu trả lời thấu đáo, với các luận cứ khoa học chắc chắn. Cần phải ghi nhớ việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh quan điểm: “Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Sau khi khảo sát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nói đi đôi với làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được; mỗi cơ quan chủ động, kịp thời, tích cực, hiệu quả.

Quy hoạch vùng, địa phương ở các tỉnh ĐBSCL theo hướng bền vững, liên kết là rất quan trọng. Vấn đề tạo sinh kế cho người dân, sắp xếp quy hoạch lại không gian sinh tồn và sản xuất; bảo vệ môi trường sinh thái... cũng quan trọng không kém. Để làm được phải có tầm nhìn, nguồn lực; trở thành hành động đồng lòng từ Chính phủ đến người dân; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.

Đọc thêm