Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí

(PLVN) - Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, đồng thời tăng cường thông tin, phản bác, đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, sớm hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, thông tin lành mạnh… là những định hướng quan trọng về lĩnh vực truyền thông, báo chí trong Dự thảo Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2026 (dự thảo Báo cáo) mà Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì cùng các Bộ ngành tham gia ý kiến để hoàn thành trước khi báo cáo Quốc hội.
Công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tạo được tính lan tỏa, hiệu ứng, tâm lý tích cực
Công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tạo được tính lan tỏa, hiệu ứng, tâm lý tích cực

Nổi bật trong tuyên truyền trong phòng, chống dịch

Liên quan đến lĩnh vực thông tin truyền thông, dự thảo Báo cáo có những đánh giá rất đáng chú ý. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, truyền hình, thông tấn, báo chí được cho là đã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao, thông tin kịp thời các hoạt động chính trị-xã hội, tình hình kinh tế đất nước và đời sống nhân dân. Cùng với đó, lĩnh vực xuất bản, in và phát hành tiếp tục phát triển, hệ thống thông tin cơ sở được củng cố xuyên suốt từ trung ương tới cấp xã. Các cơ chế chính sách trong lĩnh vực báo chí được hoàn thiện với việc ban hành Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn.

Cũng theo dự thảo Báo cáo, giai đoạn 2016-2020, các cơ quan truyền thông, báo chí đã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội. 5 năm qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm trong hoạt động truyền thông, báo chí, đặc biệt là hành vi vi phạm có tính phổ biến như thông tin sai sự thật, thông tin gây tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Dự thảo cũng đặc biệt biểu dương, công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí về những thành tích, kết quả đạt được trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020. Theo đánh giá, công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 đã tạo được tính lan tỏa, hiệu ứng, tâm lý tích cực đối với toàn bộ các tầng lớp nhân dân, được nhiều nước trên thế giới, dư luận quốc tế quan tâm và đánh giá rất cao.

Đáng chú ý, ở lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), dự thảo Báo cáo cho biết, hiện nay, tổ chức quản lý nhà nước về ATTT cơ bản được kiện toàn bước đầu từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực ATTT cơ bản được hoàn thiện và đưa vào thực thi trong xã hội, điển hình là Luật An toàn thông tin mạng. “Chúng ta đã thiết lập được hệ thống kỹ thuật phục vụ công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng như hệ thống giám sát, hệ thống chia sẽ thông tin về nguy cơ, rủi ro, hệ thống thao trường điện tử phục vụ đào tạo, diễn tập”- Dự thảo thông tin.

Bên cạnh đó, hình thức phát hành đang được nhận định là đã chuyển dần từ phát hành truyền thống qua thương mại điện tử. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng cũng ngày được chú trọng khi mà các cơ sở đào tạo lần đầu tiên đã chính thức mở chuyên ngành riêng để đào tạo kỹ sư, cử nhân, sau đại học về ATTT.

Chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động báo chí

Một thông tin rất đáng lưu tâm, trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu thị trường ATTT mạng năm 2019 là khoảng 1.542 tỷ đồng (tăng trưởng 22% so với năm 2018). Thị phần doanh thu của sản phẩm nội địa ATTT hiện nay được cho là đã chiếm tới khoảng 49,7 % tổng doanh thu thị trường, tăng 16,4% so với năm 2019 (33,3%), tăng 38,8% so với năm 2018 (10,9%) và lớn hơn nhiều so với các năm trước đó.

Từ con số biết nói này, Việt Nam được kỳ vọng sớm hình thành thị trường dịch vụ ATTT mạng Made in Việt Nam và trong lĩnh vực an ninh, an toàn mạng đã bước đầu hình thành nền công nghiệp với một số dịch vụ an toàn thông tin thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, song song với những kết quả tích cực nêu trên, hoạt động truyền thông báo chí trong 5 năm qua còn để lại nhiều hạn chế, yếu kém. “Tình trạng báo chí thông tin không đúng với tôn chỉ mục đích, không đúng nội dung quy định trong giấy phép vẫn chậm được khắc phục. Thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân xảy ra nhiều ở báo in và báo điện tử. Công tác thông tin cơ sở cơ bản vẫn thực hiện theo cách truyền thống, chủ yếu thông tin một chiều từ trên xuống, chưa có sự tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân ở cơ sở. ”- Dự thảo báo cáo nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, cơ quan chức năng cũng được cho là đã tiến hành rà soát, kiểm tra, có báo cáo đánh giá, xử lý vi phạm trong hoạt động truyền thông báo chí. Đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục đối với tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp của một số cơ quan báo chí.

Một hạn chế nữa cũng được nêu ra là hiện trạng phát triển dịch vụ ATTT mạng của Việt Nam so với các nước trên thế giới tại thời điểm hiện tại nằm ở khoảng từ dưới trung bình đến mức trung bình của thế giới (đánh giá dựa trên các bộ chỉ số, bảng xếp hạng an toàn thông tin như Global Cybersecurity Index-GCL). Nhận thức của xã hội, cơ quan, doanh nghiệp về công tác đảm bảo an toàn thông tin còn thiếu và yếu. Tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại còn cao, nguy cơ bị đánh cắp, lộ lọt thông tin. Nhân lực ATTT chưa đáp ứng được cả số lượng và chất lượng.

Định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2026, dự thảo Báo cáo cũng đã đưa ra một số định hướng, nhiệm vụ cần phải giải quyết như: Sẽ phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mảng nội dung số đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và nhu cầu của người dân; Chủ động kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lỗi sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội.

Cùng với đó, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; thông tin về những đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tăng cường thông tin, phản bác, đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Căn cứ Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 1/4/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến góp ý của các bô, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2026 lần thứ 2 (trong đó có nội dung truyền thông thông tin) để hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội theo quy định.

Đọc thêm